Hiểu đúng, làm đúng để không “ngại” sử dụng vật liệu xây không nung

16:21' - 20/07/2024
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với vật liệu xây không nung đã cơ bản đầy đủ.
Hiện trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung là chủ đề của hội thảo trực tuyến do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) và Hội Bê tông Việt Nam (VCA) phối hợp với Tạp chí Xây dựng tổ chức ngày 20/7 theo hình thức trực tuyến.

Ông Lê Văn Kế - đại diện của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến vật liệu xây không nung khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây tại Việt Nam trước năm 2010 rất thấp. Đến năm 2019, tỷ lệ này tăng lên khoảng 25% - 30%. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung có chiều hướng đi xuống.

 
Các chuyên gia cho rằng, đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với vật liệu xây không nung đã cơ bản đầy đủ. Những phản ánh trước đó về hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng vật liệu xây không nung từng là trăn trở của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công cũng đã được khắc phục.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung thì chủ đầu tư mới sử dụng loại vật liệu này. Còn đối với các công trình không bắt buộc, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý né tránh, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng vật liệu xây không nung.

Mặc dù vậy, vẫn có những chủ đầu tư, nhà thầu thành công trong việc sử dụng vật liệu xây không nung. Hội thảo này là cơ hội để giúp các bên liên quan hiểu đúng, làm đúng khi sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để dẹp bỏ những e ngại, khiên cưỡng.

Tiến sỹ Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng thư ký VCA đánh giá, việc hạn chế gạch đất sét nung sẽ mang đến nhiều lợi ích như giảm phát thải khí CO2, giảm mất đất nông nghiệp và tận dụng phế thải công nghiệp khi sản xuất vật liệu xây không nung. Đây chính là loại vật liệu dùng trong xây dựng mà việc sản xuất - tạo ra chúng không sử dụng nhiệt để nung và là vật liệu thay thế vai trò của gạch đất sét nung trong công trình.

Hiện nay, vật liệu xây không nung có 4 chủng loại cơ bản: gạch bê tông; vật liệu nhẹ (gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt); tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp.

Thời gian qua, vì nhiều lý do, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm. Lĩnh vực vật liệu xây không nung gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và tiến độ thực hiện chương trình của Chính phủ.

Chia sẻ về thực trạng này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước năm 2010, toàn thành phố tồn tại khoảng trên 1.700 lò gạch thủ công truyền thống. Trong khi đó, các loại vật liệu xây không nung (bê tông cốt liệu, bê tông bọt, AAC, tấm tường...) hầu như chưa có cơ sở sản xuất quy mô lớn, ngoại trừ một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu, bê tông bọt với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại một số huyện sẵn có nguồn nguyên liệu đá mạt do gần các mỏ đá.

Đến năm 2010, mặc dù UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, nhưng cũng chỉ có một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu với quy mô công suất từ 5 - 10 triệu viên/năm.

Tại Hà Nội, các loại vật liệu xây không nung được sử dụng chủ yếu là gạch không nung loại nặng, các loại vật liệu xây không nung nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến.

Từ năm 2011 đến nay, sau khi Quy hoạch Vật liệu xây dựng của Thành phố được duyệt, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống, tạo điều kiện tiền đề phát triển các loại vật liệu xây không nung trong giai đoạn 2016 - 2020 với 18 nhà máy sản xuất gạch không nung được quy hoạch. Công suất mỗi nhà máy khoảng 20 - 70 triệu viên/năm.

Các loại vật liệu xây không nung được sử dụng chủ yếu là gạch không nung loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt). Chứ các loại vật liệu xây không nung nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến trong một số công trình dân dụng – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Năm 2023, các sản phẩm vật liệu xây không nung của cả nước chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây. Không những thế, một số công trình sử dụng vật liệu xây không nung có xảy ra hiện tượng nứt, thấm làm giảm niềm tin vào sản phẩm này.

Liên quan đến thực tế này, Tiến sỹ Phan Hữu Duy Quốc cho rằng, chất lượng công trình có vật liệu xây không nung còn chịu sự ảnh hưởng của quy trình thi công và vật liệu bổ trợ khác. Người thực hành cần hiểu đúng bản chất vấn đề và thực hành đúng như hướng dẫn của chuyên gia.

“Các địa phương cần được hỗ trợ hơn về chuyên môn, người thực hành cần được tập huấn để hiểu đúng và làm đúng. Ngoài ra, định mức cũng cần được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng được chi phí thực tế khi áp dựng vật liệu xây không nung” – ông Quốc nói.

Dẫn chứng về việc sản xuất và thi công lắp đặt tấm tường Acotec, kỹ sư Nguyễn Đức Hiệp - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, mặc dù sản phẩm có nhiều ưu điểm những một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cần được chú ý. Đó là kiểm soát đồng đều nguồn nguyên vật liệu, thường xuyên bảo dưỡng dây chuyền, điều chỉnh tốc độ đùn vít sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất, thường xuyên kiểm tra chất lượng của vật liệu…

Tấm tường Acotec là bê tông tiền chế, không chịu lực, phù hợp để sử dụng làm tường ngăn bên trong chung cư, khách sạn, trường học, bệnh viện... hay tường hàng rào dự án với 5 ưu điểm nổi trội như: trọng lượng nhẹ, cách âm, chống cháy và chống ẩm tốt; giúp thi công nhanh, ít nhân lực; là vật liệu xây không nung thân thiện với môi trường và tái chế tốt; có bề mặt phẳng, không trát, dễ dàng lắp đặt hệ thống MEP (điện, nước, cơ khí); có tính kinh tế cao khi tăng diện tích sử dụng và giá thành phù hợp.

Tương tự, gạch lỗ từ 100% cốt liệu tro bay giúp giảm giá thành và bảo vệ môi trường cũng là một trong những loại vật liệu xây không nung cần được khuyến khích. Ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ xanh Trung Hậu cho biết, sản phẩm này có thành phần chính là xi măng, tro bay và phụ gia với độ hút vữa tương đương gạch đất sét nung, giúp tăng độ bám dính.

Gạch lỗ sản xuất từ cốt liệu tro bay có nhiều ưu điểm nổi bật như giá thành rẻ hơn gạch đất sét nung, trọng lượng nhẹ hơn gạch không nung cùng kích thước, đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2016 về gạch bê tông, công suất sản xuất lớn (10–20 triệu viên/dây chuyền) và dễ dàng tự động hóa quá trình xây dựng do kích thước viên gạch chính xác.

Các chuyên gia chung nhận định, khi thi công khối xây sử dụng vật liệu xây không nung cần đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật. Tiến sỹ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch VCA cũng chỉ rõ, quá trình thi công khối xây sử dụng sử dụng vật liệu xây không nung thường gặp một số vấn đề như: hiện tượng tách tường với cột, vách, trần bê tông cốt thép và khuôn cửa; liên kết giữa hai hàng xây yếu (xây ngược viên xây, viên xây không có lớp đáy); thấm tường ngoài và ngấm khi dùng nước; thi công điện nước khó khăn, nứt tách dọc tuyến điện nước; trát hoàn thiện gặp khó khăn nếu không có lớp hồ xi măng lót.

Bởi vậy, theo Tiến sỹ Trần Bá Việt, việc thi công khối xây sử dụng vật liệu xây không nung phải thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành, có thiết kế kỹ thuật thi công. Công nhân phải được tập huấn kỹ thuật xây gạch bê tông và cần giám sát đảm bảo kỹ thuật xây, đặc biệt là phần liên kết và nẹp giằng tường.

Nếu các nhà thầu xây dựng sử dụng đúng vật liệu và thi công đúng kỹ thuật thì vấn đề này không đáng quan ngại. Dưới góc độ của nhà sản xuất, các doanh nghiệp cũng nên có định hướng lâu dài là phát triển những vật liệu tấm lớn và nhẹ như bê tông khí chưng áp, tấm tường acotec…

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng vật liệu xây không nung để thực hiện được các mục tiêu Chính phủ đề ra tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục