“Hồi chuông" từ cựu Chủ tịch ECB: Châu Âu sẽ hành động?

06:30' - 27/10/2024
BNEWS Theo cựu Chủ tịch ECB, “lục địa già” cần hoàn thiện liên minh thị trường vốn để thúc đẩy lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và giảm bớt những rào cản quy định để các doanh nghiệp mới có thể mở rộng quy mô.

Trong báo cáo mới đây, ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã kêu gọi châu Âu hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các thách thức kinh tế, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có phản ứng kịp thời hay không.

Báo cáo của ông Draghi về tình trạng kinh tế châu Âu được coi là một tiếng chuông cảnh báo. Tuy nhiên, không rõ liệu các nhà hoạch định chính sách châu Âu có phản hồi với tiếng chuông cảnh báo của ông Draghi hay không.

Báo cáo chỉ ra ba lĩnh vực mà châu Âu đang gặp khó khăn về kinh tế. Thứ nhất, Liên minh châu Âu (EU) đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến. Thứ hai, giá năng lượng cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của EU. Thứ ba, sự phân mảnh của ngành công nghiệp quốc phòng ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của châu Âu.

 

Báo cáo của ông Draghi nhấn mạnh châu Âu cần có sự hợp tác sâu hơn để giải quyết những vấn đề trên. Theo ông, “lục địa già” cần hoàn thiện liên minh thị trường vốn để thúc đẩy lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và giảm bớt những rào cản quy định để các doanh nghiệp mới có thể mở rộng quy mô. 

Ngoài ra, châu Âu cần xây dựng một lưới điện tích hợp và phối hợp đầu tư vào quá trình giảm khí thải để hạ giá năng lượng. Bên cạnh đó, châu Âu cũng cần tăng cường chi tiêu quốc phòng ở cấp độ khối. Tất cả những đề xuất trên cho thấy châu Âu cần phải ra quyết định chung nhiều hơn, đồng thời đặt châu Âu vào một trong những thời điểm quan trọng khi phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên hiện trạng hiện nay và thực hiện bước nhảy mạnh hơn về hội nhập. 

Châu Âu đã từng thực hiện những bước nhảy vọt như vậy, khi đồng ý tạo ra Thị trường chung châu Âu vào năm 1986, giới thiệu đồng euro vào năm 1999. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những thách thức mà ông Draghi nêu ra có thúc đẩy phản ứng tương tự hay không.

Dù vậy, các sự kiện gần đây nhắc nhở rằng những quyết định chính trị không phải lúc nào cũng bị chi phối bởi các yếu tố hiệu quả. Sức ép thúc đẩy sự hội nhập cũng có thể dẫn đến phản ứng ngược, thay vì tạo ra động lực tiến lên.

Một quan điểm khác cho rằng những cuộc đàm phán giữa các chính phủ có thể thúc đẩy song cũng có thể cản trở quá trình hội nhập của châu Âu. Quá trình hội nhập sẽ được thúc đẩy nếu lợi ích quốc gia hội tụ khi các chính phủ đều hưởng lợi từ việc tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy một số chính phủ lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực sẽ phản đối những yêu cầu về sự hội nhập sâu hơn.

Mặt khác, các chính phủ có thể thực hiện những thương lượng chính sách có lợi cho cả hai bên. Với nhiều thách thức chồng chéo mà báo cáo của ông Draghi đã chỉ ra, việc xác định những thương lượng chính sách có lợi cho cả hai bên có thể là một hướng đi khả thi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục