Hơn 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện

19:02' - 30/11/2018
BNEWS Chiều 30/11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 219.278 tỷ 460 triệu đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, vẫn còn hơn 5.000 tỷ đồng chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.

Cụ thể, vẫn còn các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành như: số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940,29 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng 3.071,14 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.

Cùng với đó, năm 2017, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 174,65 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,24% (thấp hơn 0,36% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% vo với tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2016). Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 219.278 tỷ 460 triệu đồng.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực điện năm 2017 của EVN có lãi là 2.792,08 tỷ đồng.

Đại diện EVN cho biết, năm 2017, có nhiều yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: giá than tăng bình quân 5,7% so với năm 2016 và giá dầu DO, FO bình quân tăng lần lượt là 21,95% và 32,84% so với năm 2016. Giá dầu HSFO thế giới cũng tăng 39,2% so với năm 2016 khiến giá khí thị trường tăng cao. Giá USD năm 2017 bình quân là 22.749 đồng/USD, tăng 250 đồng/USD so với tỷ giá bình quân của năm 2016, tương ứng tỷ lệ tăng 1,56%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN được thực hiện trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện và tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành; chi phí mua điện từ các nhà máy điện dộc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hóa có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, năm 2017, việc vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh mới thực hiện thí điểm, vận hành trên giấy, chưa có thanh toán thật nên chưa ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017. Lượng điện từ năng lượng tái tạo tuy chưa nhiều (chỉ có điện gió), nhưng vẫn được huy động tối đa để cung cấp cho hệ thống, dù giá điện gió mua vào trong năm 2017 cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân tới các hộ tiêu dùng.

Ông Tuấn cho hay, điện gió năm 2017 có giá bình quân 1.842,79 đồng, cao hơn giá của thủy điện là 207%, so với nhiệt điện than cao hơn 115%, so với tuabin khí cao hơn 152% và cao hơn 118% so với điện nhập khẩu từ Trung Quốc… Điện gió cũng như tuabin khí là các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) được Chính phủ khuyến khích nên giá thành EVN mua vào đang khá cao…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cứ mỗi năm ngành điện lại có nhiều tiến bộ. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý của ngành phát huy hiệu quả, góp phần cắt giảm các chi phí và giúp giá thành giảm. Đó là chưa nói đến chỉ tiêu tiết kiệm điện của ngành hàng năm đều giảm rõ rệt...

Hiện nay, Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2019; trong đó, dự kiến huy động 589 triệu kWh điện gió, khoảng 2,1 tỷ kWh từ điện mặt trời và khoảng 499 triệu kWh điện sinh khối... Việc huy động các nguồn năng lượng tái tạo khoảng hơn 3,1 tỷ kWh (sản lượng điện thương phẩm năm 2019 dự kiến khoảng 241 tỷ kWh). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc đảm bảo nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống điện thời gian tới.

Đồng thời hoàn chỉnh các quy định, thông tư hướng dẫn trong vận hành hệ thống điện nhằm đảm bảo các phương án cung cấp điện cho nền kinh tế theo hướng ưu tiên huy động các nguồn điện NLTT, vận hành thị trường bán buôn điện chính thức từ đầu năm 2019./.

>>> Người thuê trọ vẫn phải ngậm ngùi chịu cảnh giá điện cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục