"Hòn đá tảng" trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung

06:30' - 17/04/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội và tác động tiêu cực đến hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã phỏng vấn Giáo sư Lưu Anh (Liu Ying) – một chuyên gia về thương mại Mỹ-Trung thuộc Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, về những tác động của đại dịch COVID-19 đến thương mại Mỹ-Trung cũng như quan hệ hai nước.

Trả lời câu hỏi dịch COVID-19 tác động như thế nào đến việc thúc đẩy triển khai thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ, Giáo sư Lưu Anh cho biết đại dịch thực sự đã ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Ngày 8/4, Vũ Hán đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày kể từ ngày 23/1. Những hạng mục chính trong thỏa thuận thương mại bao gồm các mặt hàng sản xuất, hàng nông sản, hàng hóa dịch vụ. Khoảng thời gian 2-3 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận đến nay cũng chính là khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. 

Bằng biện pháp phong tỏa mạnh mẽ, cùng với sự hỗ trợ của cả nước đối với tâm dịch Vũ Hán, sau hơn một tháng, Trung Quốc đã khống chế được sự phát triển của dịch bệnh một cách có hiệu quả. Mặc dù vậy, việc thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một cũng chịu ảnh hưởng nhất định.

Từ lúc đầu khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan ở Trung Quốc, một số nơi đã áp đặt lệnh phong tỏa, cho đến giai đoạn từ nửa cuối tháng Ba đến nay, Mỹ tiếp tục là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch bùng phát trên phạm vi toàn cầu. 

Thành phố NewYork đã bắt đầu cấm người dân đến một số thành phố ở châu Âu. Trên toàn thế giới đã có khoảng 6 quốc gia có số ca nhiễm bệnh vượt quá con số 100.000, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Italy. Việc hạn chế người dân đi lại, cách ly trong nhà đã khiến hoạt động thương mại bị hạn chế.

Trước tình hình như hiện nay, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn trong khoảng 2-8%, trong khi thương mại quốc tế suy giảm đến hơn 20%. Sự bùng phát đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề tới vấn đề nhân công cũng như dịch vụ logistics.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cách ly là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, đây lại là một rào cản hoạt động thương mại. Do đó, WTO cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một sẽ bị trì hoãn. Đây chính là vấn đề đầu tiên.   

Thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Giáo sư Lưu Anh, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước chiếm khoảng 40% GDP thế giới, tổng khối lượng thương mại của hai nước cũng chiếm khoảng 30% khối lượng thương mại thế giới.

Giữa Trung Quốc và Mỹ có sự bổ sung ưu thế rõ rệt cho nhau trong hợp tác kinh tế thương mại. Ngoài hợp tác về kinh tế thương mại, giữa hai nước còn có không gian hợp tác rộng rãi trong những lĩnh vực khác.

Thứ nhất, hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19. Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến thế giới với hơn 1,4 triệu ca nhiễm bệnh thuộc khoảng 210 nước và vùng lãnh thổ, trong khi đó các số liệu liên quan tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Mỹ-Trung có không gian hợp tác lớn trong việc nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, điều chế thuốc đặc trị bệnh viêm phổi do virus SARS-CoV-2 cũng như vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh này, đồng thời tìm hiểu xu hướng phát triển của dịch COVID-19 trong tương lai.

Thứ hai, hợp tác trong việc tăng cường xây dựng cơ chế phòng chống, giải quyết sự kiện y tế công cộng. Dịch COVID-19 lây lan, bùng phát mạnh trên thế giới có khả năng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngày 26/3, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và ra tuyên bố chung, đồng thuận lên kế hoạch cụ thể để đối phó dịch bệnh.

Theo đó, các nước G20 đồng ý đưa ra gói kích thích trị giá 5.000 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó Mỹ thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD; các nước EU như Anh, Pháp, Đức… đưa ra gói kích thích trị giá 1.500 tỷ USD; còn Trung Quốc đưa ra gói kích thích trị giá 1.500 tỷ USD, bao gồm một loạt biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, đưa ra các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới.

Bên cạnh đó, chuyên gia Lưu Anh cho rằng khối G20 cần tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Y tế, nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp cùng đối phó dịch COVID-19; nghiên cứu khả năng thành lập một khung cơ chế để hợp tác ứng phó dịch COVID-19 có khả năng kéo dài.

Thứ ba, Mỹ-Trung cần tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề lương thực. Hiện nay, ở một số nước xuất hiện nạn châu chấu hoành hành, góp phần gây ra tình trạng giảm sản lượng lương thực.

Là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ-Trung cần đoàn kết với nhau và hợp tác với các nước khác để giải quyết thiên tai như nạn châu chấu; viện trợ, giúp đỡ các nước rơi vào khủng hoảng lương thực, không để xảy ra nạn đói, đặc biệt là ở các nước châu Phi.

Đây được coi là sự hợp tác song phương để giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống. Ngoài ra, hai nước còn có thể hợp tác để giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống khác như chống biến đổi khí hậu.

Về vấn đề chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy ở một số nước khi các nước nỗ lực phục hồi kinh tế thời hậu COVID-19 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 cắt đứt giao lưu kinh tế toàn cầu, Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh, sau khi phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh, có thể do quán tính, các nước sẽ áp dụng chủ nghĩa bảo hộ. Việc này có thể kéo hoạt động sản xuất về trong nước. Trong tình hình đó, Mỹ-Trung cũng cần tăng cường hợp tác. 

Trung Quốc đã đề xuất mở cửa thị trường, cần phải duy trì sự ổn định và hiệu quả cao của việc mở cửa chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng có nghĩa là các tập đoàn của các quốc gia G20 có thể tăng cường các nguyên liệu và thiết bị y tế, sản phẩm nông nghiệp cùng các sản phẩm quan trọng khác.

Ở phương diện này, chủ nghĩa bảo hộ đi ngược với toàn cầu hóa, cuối cùng là đi ngược với trào lưu thế giới. Để phá vỡ chủ nghĩa bảo thủ này, cho dù là chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng vậy, các nước cần phải mở cửa thị trường mới có thể tăng cường hợp tác, bởi vì thương mại là một cỗ máy dẫn dắt và phát động tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Giáo sư Lưu Anh, do nguyên nhân khách quan phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, các nước áp dụng biện pháp cách ly bao gồm cả về người và hàng hóa. Thực tế là trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, chủ nghĩa bảo hộ đã manh nha xuất hiện, thậm chí lan rộng.

Do đó, tất cả các quốc gia cần phải đoàn kết, tăng cường giao lưu, mở cửa thị trường, hợp tác kinh tế và thương mại. Chỉ có cùng nhau đoàn kết đối phó mới có thể loại bỏ được chủ nghĩa bảo hộ. Cùng nhau đối phó với dịch bệnh, cùng nhau khởi động động cơ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thương mại quốc tế, để kinh tế tăng trưởng lành mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục