Hút vốn ngoại vào công nghiệp công nghệ cao

17:30' - 20/03/2016
BNEWS Ngay từ đầu năm 2016, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm hút vốn ngoại vào công nghiệp công nghệ cao.
TP.HCM tiếp tục là một trong 5 địa phương đi đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong tuần đầu tiên của tháng 1/2016, Tp. Hồ Chí Minh đã khởi động tích cực trong việc triển khai thu hút vốn FDI khi Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh (SHTP) trao Giấy chứng nhận đầu tư cùng lúc cho 3 dự án mới, trong đó có 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD của Công ty UNITED MORE SDN. BHD. (Malaysia), sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED, công suất khoảng 12 triệu sản phẩm/năm.

Theo UBND TP.HCM, trong hơn 2 tháng đầu năm 2016, thành phố đã có 90 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đạt 155,9 triệu USD. Ngoài  ra, có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 78,8 triệu USD.

Tính chung vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn là 231,6 triệu USD, giảm 67,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TP.HCM tiếp tục là một trong 5 địa phương đi đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI.

Chia theo đối tác đầu tư, đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với 3 dự án mới, vốn đầu tư 50,6 triệu USD (chiếm 33,4%); Singapore 18 dự án, vốn đầu tư 39,5 triệu USD (chiếm 26,1%); Malaysia 3 dự án, vốn đầu tư 22,6 triệu USD (chiếm 14,9%); Indonesia 1 dự án, vốn đầu tư 8,3 triệu USD; Hàn Quốc 17 dự án, vốn đầu tư 7,5 triệu USD; Thái Lan 4 dự án, vốn đầu tư 6,4 triệu USD...

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, hiện nay, bên cạnh việc triển khai các quy định mới của Trung ương, Thành phố đang triển khai một loạt cải cách thủ tục, thực hiện giải quyết nhanh chóng cho doanh nghiệp đầu tư như dịch vụ hẹn giờ giải quyết hồ sơ qua tổng đài 1080, thí điểm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài soạn thảo miễn phí tại chỗ hồ sơ đang ký kinh doanh, triển khai dịch vụ đăng ký đầu tư trực tuyến, liên thông thủ tục đăng ký dự án đầu tư với thủ tục thành lập doanh nghiệp, đồng thời với việc triển khai dịch vụ chuyển phát kết quả hồ sơ cấp Giấy  chứng nhận đăng ý đầu tư qua hệ thống bưu điện.

TP.HCM tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Về định hướng trong thời gian tới, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: Thành phố tiếp tục tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ chủ lực của thành phố, quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố cũng xác định thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trong năm 2016 là Mỹ, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia, trong đó đặc biệt chú ý để đón đầu làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Để cụ thể hoá định hướng này, trong năm 2016, thành phố dự kiến tổ chức 108 hoạt động xúc tiến, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Khoa cho biết, TP.HCM tiếp tục tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố của Nhật Bản để đón đầu và thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản; thành lập cơ quan một cửa (Japan desk) riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản nói chung và vùng Kansai nói riêng nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Cụ thể hoá chủ trương này, trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc tiếp xúc, ký kết hợp tác đầu tư.

Điển hình như Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group (Nhật Bản) ký kết hợp tác với Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) và Công ty An Gia Investment để triển khai dự án tại Quận 7 có quy mô 8.000 căn hộ với tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group cho biết, đây là dự án thể hiện sự hợp tác giữa Creed Group với doanh nghiệp Việt Nan, khởi đầu trong năm 2016 với số vốn lên đến 500 triệu USD.

30% doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là địa điểm đầu tư nước ngoài đầu tiên, 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong tương lai, tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có TP.HCM có rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, tiêu biểu là Hiệp định TPP, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, sinh sống.

Tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa qua, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, 30% doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là địa điểm đầu tư nước ngoài đầu tiên, 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong tương lai, tỉ lệ cao so với các quốc gia khác.

Các doanh nghiệp kỳ vọng với những hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định TPP sẽ giúp thuận lợi hóa về thương mại và thuế quan cũng như giấy phép lao động.

Cụ thể hóa kế hoạch xúc tiến trong năm 2016, vào ngày 16/3 tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp FDI với chủ đề lắng nghe và trao đổi, qua đó nắm bắt, chia sẻ những vấn đề mà doanh nghiệp FDI quan tâm, có những điều chỉnh cho phù hợp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư thông qua các buổi gặp gỡ, hội nghị, hội thảo nhằm tháo gỡ các khó khăn, mở ra các cơ hội hợp tác, đầu tư, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục