IMF: Các ngân hàng trung ương không nên vội vàng cắt giảm lãi suất

07:54' - 02/02/2024
BNEWS Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất quá sớm.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng khác đã giữ lãi suất ở mức cao trong những tháng gần đây nhằm nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu, sau khi giá cả tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh lạm phát giảm ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, các thị trường đang hướng sự chú ý vào thời điểm các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
 
Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của IMF ở Washington, bà Georgieva cho biết nhìn lại lịch sử, IMF nhận định nguy cơ khi nới lỏng chính sách tiền tệ sớm cao hơn so với nguy cơ nới lỏng muộn. Theo bà Georgieva, cần nhìn vào dữ liệu và hành động dựa trên dữ liệu.

Bình luận của bà Georgieva được đưa ra một ngày sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp kéo dài hai ngày (kết thúc vào 31/1). Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã “dội gáo nước lạnh” vào đồn đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Ba. Động thái đã khiến cổ phiếu trên Phố Wall giảm giá.

Đầu tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết các nhà hoạch định chính sách dự kiến việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể.

Đối với kinh tế Mỹ, bà Georgieva cho rằng Mỹ sắp đạt được tình trạng “hạ cánh mềm”, khi các nhà hoạch định chính sách đưa lạm phát trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục