IMF kêu gọi gia tăng các nguồn lực tài chính để hỗ trợ kinh tế toàn cầu

06:30' - 14/04/2021
BNEWS Kết thúc Hội nghị mùa Xuân, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chi tiền để hỗ trợ kinh tế toàn cầu và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo IMF, nếu không có sự hỗ trợ đó cùng với các khoản hỗ trợ bổ sung của cả IMF và Ngân hàng Thế giới, các nước đang phát triển và người nghèo ở nhiều nước có thể phục hồi khó khăn sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ là cần thiết để giảm thiểu và khắc phục những tác động kinh tế của đại dịch. IMF muốn rằng tất cả mọi người đều có cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Để đạt được mục tiêu đó, IMF cho rằng cần tăng cường tiếp cận vaccine và nắm bắt cơ hội có được từ cuộc khủng hoảng để đầu tư vào công nghệ xanh, từ đó tạo ra những việc làm có mức lương cao và ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng hưởng ứng kêu gọi đó, hối thúc khoản hỗ trợ mới đáng kể để đảm bảo sự phục hồi vững chắc.

Bà Yellen cho rằng triển vọng kinh tế đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ của các chính phủ, vẫn có sự không chắc chắn lớn và nguy cơ khủng hoảng để lại những tác động lâu dài.

Bà Yellen kêu gọi các nền kinh tế lớn không chỉ tránh rút lại sự hỗ trợ quá sớm mà còn phải hỗ trợ thêm để đảm bảo đà phục hồi mạnh mẽ.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% trong năm nay, sau khi giảm 3,3% trong năm ngoái và ghi nhận 16.000 tỷ USD chi tiêu công trên toàn cầu trong đại dịch đã giúp cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế kỷ không nghiêm trọng hơn gấp ba lần.

Bà Yellen nhấn mạnh đến gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden ký vào tháng trước cũng như đề xuất của ông về kế hoạch đầu tư trên 2.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và việc làm được công bố trong tuần trước.

Ủy ban thường trực IMF cùng ngày nhận định kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng cảnh báo việc tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi.

Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), bộ phận hoạch định chính sách của IMF, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ phân phối vaccine trên thế giới và cam kết tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo IMFC, mức độ tổn thương gia tăng về tài chính có thể gây ra những rủi ro nếu các điều kiện tài chính toàn cầu nhanh chóng thắt chặt. Cuộc khủng hoảng có thể gây ra những tác động lâu dài và làm gia tăng đói nghèo cũng như bất bình đẳng, trong khi biến đổi khí hậu và những thách thức chung khác trở nên cấp thiết hơn.

Bà Georgieva cho rằng triển vọng tăng trưởng mạnh hơn của Mỹ có thể có tác động tích cực đến thế giới, nhưng một số nước đang gặp khó khăn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng bất lợi nếu tăng trưởng tăng tốc dẫn tới việc lãi suất nhanh chóng được nâng lên.

Tại họp báo, bà Georgieva và toàn bộ 24 thành viên của IMFC đã thông qua việc phân bổ mới 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đây là lần phân bổ mới đầu tiên kể từ sau lần phân bổ 250 tỷ USD vào năm 2019.

SDR đã giúp các nước có thu nhập trung bình tăng cường nguồn lực tài chính vẫn bị căng thẳng do đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục