IMF nhận định về sự cần thiết của việc trợ giá lương thực và năng lượng cho người nghèo

05:30' - 25/05/2022
BNEWS Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nói với BBC rằng chính phủ các nước cần trợ cấp chi phí lương thực và năng lượng cho những nhóm nghèo nhất trong xã hội.

Người dân trên khắp thế giới đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Bà Kristalina Georgieva cho biết cần hỗ trợ “một cách có mục tiêu, tốt nhất là bằng trợ cấp trực tiếp cho người dân”. Nhiều chính phủ đang đưa ra một số trợ giúp, nhưng điều đó là chưa đủ. 

Khi đề cập đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, bà Georgieva nói rằng có hai ưu tiên. Một là những người rất nghèo và các phân khúc xã hội hiện đang phải vật lộn với giá thực phẩm và năng lượng cao. Hai là những doanh nghiệp chịu “thiệt hại nặng nề nhất” bởi xung đột Nga-Ukraine.

Vai trò của IMF là làm việc với các chính phủ để ổn định nền kinh tế toàn cầu và tăng cường sự thịnh vượng. Tuy nhiên, đó là thách thức bởi giá lương thực đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, trong khi giá dầu và khí đốt cũng tăng mạnh.

Thực trạng này phần lớn là do cơn sốc kép của đại dịch COVID-19căng thẳng ở Ukraine. Nga và Ukraine đều là những nước lớn về xuất khẩu nông sản và dầu mỏ. Tầm quan trọng của những mặt hàng này đối với kinh tế toàn cầu đã khiến tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên ở nhiều quốc gia: 9% ở Anh, 8,3% ở Mỹ và 7,4% ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) .

Các ngân hàng trung ương đang nâng lãi suất để cố gắng làm chậm đà tăng giá. Tuy nhiên, điều này đã khiến một số nhân vật có ảnh hưởng như cựu Chủ tịch Lloyd Blankfein của Goldman Sachs phải cảnh báo về nguy cơ suy thoái.

Bà Georgieva lo ngại về tác động của chi phí đi vay cao hơn đối với những chính phủ phải trả những khoản nợ khổng lồ mà họ đã gánh để vượt qua đại dịch. Bà nói rằng các chính phủ cần phải “rất cẩn thận” về việc họ đã chi bao nhiêu tiền và chi tiêu vào việc gì.

Các vấn đề về việc suy giảm mức sống đã được đặt lên hàng đầu trong nghị trình tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khối G7 ở Đức. Cuộc họp của 7 quốc gia giàu có đã kết thúc với cam kết “tiếp tục làm việc cùng nhau để giảm thiểu tác động của căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu cũng như đối với nền kinh tế và dân số bằng cách cung cấp hỗ trợ có mục tiêu và ở những khu vực cần thiết”.

Trong vài tháng qua, chính phủ các nước đã thực hiện một loạt biện pháp can thiệp để cố gắng giảm chi phí sinh hoạt. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã mở kho dự trữ dầu để hạ giá, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã giới hạn giá trần khí đốt và đây là chủ đề hàng đầu trong cuộc bầu cử của Australia.

Tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã thực hiện một số thay đổi về thuế và đang xem xét đánh thuế mạnh đối với lợi nhuận tăng vọt của các công ty năng lượng.

Bà Georgieva lo ngại rằng nếu chính phủ không hỗ trợ đúng mức, các cuộc biểu tình như ở Sri Lanka có thể lặp lại ở các nước khác.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do giá cả tăng cao, đã dẫn đến các cuộc bạo động. Tổng Giám đốc IMF cho biết: “Nếu chúng ta học được bất kỳ bài học nào từ năm 2019 thì đó là phải khiêm tốn hơn nhiều trong các quyết sách và để người dân có tiếng nói nhiều hơn, bởi vì các chính sách phải dành cho con người chứ không phải văn bản mà chúng ta viết ra”.

Tuần trước, một nhóm các cơ quan phát triển quốc tế bao gồm IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một kế hoạch lớn nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người chủ trì kế hoạch này, nói rằng điều này là cần thiết vì: “Có một rủi ro rất thực tế là giá thực phẩm và phân bón trên thị trường toàn cầu tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ có thêm nhiều người bị đói”.

Bà Georgieva nói rằng mặc dù thế giới vẫn có nhiều thực phẩm song không được phân bổ đồng đều. Bà cho biết các giải pháp là trồng nhiều vụ mùa hơn nếu có thể và phải tập trung nhiều hơn vào năng suất nông nghiệp, “không chỉ vì địa chính trị mà còn vì biến đổi khí hậu”.

Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới nhưng đã cấm xuất khẩu, giống như các quốc gia khác đang tìm kiếm các nguồn để bù đắp phần thiếu hụt do Ukraine không thể xuất khẩu sản phẩm của mình. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nói rằng lệnh cấm xuất khẩu này có thể sẽ được sửa đổi vào một thời điểm nào đó.

Bà Georgieva nói: “Tôi thực sự đề nghị họ xem xét lại. Đây là một thời điểm khó khăn đối với thế giới. Tôi hiểu họ cần phải nuôi sống người dân của mình. Họ có dân số 1,4 tỷ người, nhưng tất cả chúng ta hãy hành động một cách hợp tác vì chỉ khi đó chúng ta mới có cơ hội vượt qua cuộc khủng hoảng này”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục