Indonesia đứng đầu thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á

20:02' - 03/02/2022
BNEWS Theo báo cáo mới nhất của công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works, Indonesia - thị trường giao đồ ăn lớn nhất khu vực Đông Nam Á - đã đạt tốc độ tăng trưởng 24,3% vào năm 2021.

 

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của thị trường giao hàng thực phẩm Indonesia đã đạt 4,6 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn mức 3,7 tỷ USD vào năm 2020. Thái Lan và Singapore đứng sau với lần lượt 4 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.

Giám đốc điều hành của Momentum Works, ông Jianggan Li, cho biết các hạn chế xã hội trong quý II và quý III/2021 do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực giao hàng thực phẩm tại Đông Nam Á.

Indonesia chiếm 29,6% GMV giao hàng thực phẩm của 6 quốc gia được đánh giá gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Năm 2021, GMV giao hàng thực phẩm của các quốc gia này đã tăng 30% lên mức 15,5 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 183% vào năm trước.

Ông Li cho hay: “Trong bối cảnh các công ty giao đồ ăn mở rộng sang các thành phố, dịch vụ mới và ngành công nghiệp nhà hàng ngày càng được số hóa, dự báo dịch vụ giao đồ ăn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022”.

GrabFood của hãng công nghệ Grab chiếm gần một nửa GMV giao hàng thực phẩm của Indonesia, tiếp theo là GoFood của Gojek với 43% và ShopeeFood của Shopee với 8%.

 
Grab cũng dẫn đầu GMV giao hàng thực phẩm của khu vực với 7,6 tỷ USD. Foodpanda thuộc sở hữu của công ty Delivery Hero có trụ sở tại Berlin (Đức) và Gojek của Indonesia đứng sau với lần lượt 3,4 tỷ USD và 2 tỷ USD.

Theo ông Li, các “ông lớn” như Grab và Gojek đang tìm cách đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực giao đồ ăn bằng cách giảm chiết khấu. Là người đến sau, ShopeeFood vẫn đang sử dụng các chiêu thức khuyến mại rầm rộ để giành thị phần. Hiệu quả của chiến lược này vẫn có thể đạt được trong năm nay.

Ông Li cho rằng các công ty giao đồ ăn sẽ tiếp tục sử dụng các khoản trợ giá và chiết khấu để thu hút người dùng mới tại các thị trường chưa được khai thác, song sớm hay muộn sẽ phải hợp lý hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Indonesia là quê hương của bốn công ty giao đồ ăn gồm Grab, Gojek, Shopee và Traveloka. Trong đó, Shopee và Traveloka gia nhập thị trường vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu giao hàng thực phẩm tăng cao trong đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Capital A của Malaysia - trước đây được gọi là AirAsia - đang lên kế hoạch cung cấp siêu ứng dụng trong khu vực, bao gồm giao đồ ăn, gọi xe, giao hàng trọn gói và các dịch vụ khác. Hiện công ty này đã triển khai dịch vụ giao đồ ăn tại Malaysia và Singapore.

Giám đốc điều hành Momentum Works, ông COO Yorlin Ng cho rằng bối cảnh giao đồ ăn ở Đông Nam Á đang tiến gần hơn đến mô hình ở Mỹ và Trung Quốc - nơi có 2-3 công ty lớn đang thống trị thị trường./.

>>"Cuộc chiến khoai tây" giữa các nhà hàng thức ăn nhanh Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục