Indonesia khởi đầu quá trình củng cố tài khóa

09:12' - 02/10/2021
BNEWS Hạ viện Indonesia đã thông qua Dự luật ngân sách nhà nước năm 2022, đánh dấu sự khởi đầu quá trình củng cố tài khóa của nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 30/9, Hạ viện Indonesia đã thông qua Dự luật ngân sách nhà nước năm 2022, đánh dấu sự khởi đầu quá trình củng cố tài khóa của nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á sau gần hai năm chi tiêu mạnh tay cho các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19.

Dự luật ấn định mức thâm hụt ngân sách nhà nước của Indonesia ở mức 868.000 tỷ rupiah (60,61 tỷ USD) vào năm tới, tương đương 4,85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bằng với con số được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đề cập trong thông điệp quốc gia hôm 16/8, thấp hơn mức 6,14% GDP vào năm ngoái và mục tiêu 5,8% GDP trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết Dự luật có thể giúp Indonesia đưa thâm hụt ngân sách về dưới ngưỡng 3% GDP - được quy định trong Luật số 2/2020 về sự ứng phó của chính phủ với đại dịch COVID-19 - kể từ năm 2023. Điều luật này chỉ cho phép chính phủ vượt hạn mức thâm hụt ngân sách trong hai năm 2021 và 2022.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp toàn thể Hạ viện hôm 30/9, Bộ trưởng Sri Mulyani cam kết: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao các nguồn tài trợ cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là dự báo tình hình kinh tế toàn cầu với khả năng nới lỏng định lượng và những thay đổi địa chính trị”.

Mức thâm hụt 4,85% GDP trong năm tới xuất phát từ kế hoạch chi ngân sách của chính phủ lên tới 2,71 triệu tỷ rupiah, trong khi thu ngân sách nhà nước được đặt ở mức 1,85 triệu tỷ rupiah. Khoản tiền thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng việc phát hành 973.600 tỷ rupiah trái phiếu chính phủ. Cả chi ngân sách và thu ngân sách năm tới đều cao hơn một chút so với dự thảo, trong khi mức phát hành trái phiếu chính phủ vẫn được giữ nguyên.

Năm tới, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu 1,51 triệu tỷ rupiah từ thuế và 335.000 tỷ rupiah từ các nguồn phi thuế, được hỗ trợ bởi một số kế hoạch cải cách thuế trong đó có Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, bà Sri Mulyani cho rằng sự không chắc chắn của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách nhà nước trong năm tới.

Chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,2% trong năm tới, cao hơn mức 3,7-4,5% trong năm nay. Với mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới, chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo về mức 8,5-9% và tỷ lệ thất nghiệp từ 5,5-6,3%./.

>>>Indonesia sẽ mua lại 1,16 tỷ USD trái phiếu toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục