Indonesia siết chặt các quy định cho vay ngang hàng trực tuyến

15:20' - 22/11/2021
BNEWS Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) vừa công bố kế hoạch sửa đổi quy định đối với các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) trực tuyến theo hướng siết chặt yêu cầu thành lập công ty.

Người đứng đầu bộ phận tài chính phi ngân hàng của OJK, ông Bambang W. Budiawan cho biết cơ quan này sẽ sửa đổi Quy định số 77/2016 về cho vay trực tuyến trong các lĩnh vực chính, như yêu cầu về vốn, đăng ký và giấy phép.

Phát biểu họp báo hôm 17/11, ông Bambang cho biết: “Cho vay P2P là một ngành công nghiệp non trẻ cần được quản lý. Chúng tôi đã nhận thấy những kẽ hở quy định và đó là lý do tại sao cần sửa đổi chúng”.

Ông Bambang cho hay cơ quan quản lý này đã đưa ra các yêu cầu về vốn mới đối với việc thành lập một công ty cho vay P2P, song từ chối tiết lộ mức tiền.

Theo quy định hiện hành, một công ty fintech cần phải có vốn ít nhất 1 tỷ rupiah (70.290 USD) khi đăng ký kinh doanh với OJK và con số này tăng lên 2,5 tỷ rupiah vào thời điểm xin giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, OJK đang có kế hoạch loại bỏ quy định đăng ký công nghệ tài chính (fintech) và muốn các công ty phải ngay lập tức xin giấy phép cho vay P2P. Ngoài ra, cơ quan này sẽ yêu cầu các công ty liên quan phải duy trì vốn chủ sở hữu trong vòng 3 năm nhằm đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp.

OJK có kế hoạch ban hành quy định mới sau khi cấp giấy phép thêm cho ba công ty cho vay P2P. Cuối năm 2019, OJK công bố có 164 công ty cho vay P2P đã đăng ký, tăng đáng kể so với mức 88 vào đầu năm đó.

Trước tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trên, vào năm 2020, OJK đã ngừng cấp phép thành lập cho các công ty cho vay P2P mới. Kể từ đó, số lượng các nền tảng cho vay trực tuyến đã giảm xuống còn 104.

OJK, thông qua lực lượng đặc nhiệm cảnh báo đầu tư (SWI), đã đóng cửa 116 công ty cho vay P2P bất hợp pháp chỉ trong tháng 10 vừa qua và hơn 3.000 nền tảng cho vay trực tuyến bất hợp pháp kể từ năm 2018.

Nhiều người đã chìm trong nợ nần trong bối cảnh các nền tảng cho vay trực tuyến trở nên phổ biến trong những năm qua, đặc biệt là trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 được công bố gần đây cho thấy dư nợ cho vay kỹ thuật số đã đạt 26 tỷ USD vào năm ngoái tại khu vực Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng 48% lên mức 39 tỷ USD trong năm nay./.

>>>Cảnh báo hoạt động cho vay ngang hàng gia tăng có thể gây rủi ro

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục