JPMorgan Chase xoa dịu lo ngại về chính sách thuế của ông Trump

08:43' - 24/01/2025
BNEWS Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase, cho rằng nhiều người đang lo ngại quá mức và chưa đủ niềm tin vào kế hoạch của ông Trump.
Các doanh nghiệp trên toàn cầu và giới kinh tế đang bày tỏ lo ngại về nguy cơ giá cả leo thang khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược kinh tế chú trọng thuế quan. Tuy nhiên, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase, cho rằng nhiều người đang lo ngại quá mức và chưa đủ niềm tin vào kế hoạch của ông Trump.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC tại Davos, Thụy Sỹ, nơi đang diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Dimon nhận định thuế quan là một "công cụ kinh tế" hoặc "vũ khí kinh tế", tùy thuộc vào cách sử dụng. Ông cho rằng nếu thuế quan gây ra một chút lạm phát nhưng có lợi cho an ninh quốc gia, điều này nên được chấp nhận.

Hiện tại, ông Trump đang cảnh báo áp thuế 10% trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, bắt đầu từ ngày 1/2.

Tuy nhiên, ông Dimon cho rằng những lời cảnh báo trên có thể được sử dụng hiệu quả để đưa các bên lên bàn đàm phán, nhằm thương lượng những điều khoản thương mại có lợi hơn. Ông tin rằng chính phủ của ông Trump đang cố gắng sử dụng thuế quan theo cách này. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể áp dụng mức thuế thấp hơn đối với Mexico, Canada và Trung Quốc so với các mức mà ông Trump đã đề xuất, hoặc có thể không áp dụng thuế mới nào.

Tương tự, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng cho rằng nên chờ xem điều gì sẽ thực sự xảy ra trước khi có phản ứng. Theo CNN, bà Okonjo-Iweala rằng không nên quá lo lắng về vấn đề thuế quan. Theo bà, cần chờ đợi xem chính sách nào sẽ được thực hiện, vì hiện tại tất cả chỉ là đồn đoán.

 
Ông Trump dường như cũng đang để ngỏ khả năng đàm phán bằng cách ấn định thời hạn ngày 1/2 thay vì áp thuế ngay lập tức như đã hứa hẹn trước đó.

Ngoài các loại thuế quan, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất áp thuế 10% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, cũng như mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả các chuyên gia từ ngân hàng JPMorgan Chase, dự đoán thuế quan, kết hợp với chính sách trục xuất hàng loạt mà ông Trump đã hứa hẹn, có thể làm gia tăng lạm phát ở Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi trong giới kinh tế về việc liệu thuế quan chỉ gây ra một đợt tăng giá duy nhất hay người tiêu dùng sẽ dần quen với việc giá cả tăng cao trong tương lai, dẫn đến lạm phát tiềm tàng.

Các loại thuế quan mà ông Trump có thể sớm áp dụng có nguy cơ khiến nhiều loại hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân Mỹ, đặc biệt khi Mexico, Trung Quốc và Canada là ba đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Danh sách các mặt hàng này bao gồm đồ điện tử tiêu dùng như điện thoại, máy thu hình (TV) và máy tính, đồ chơi, ô tô và phụ tùng ô tô, xăng và nông sản.

Ví dụ, trong kim ngạch nhập khẩu xe cơ giới trị giá 246 tỷ USD của Mỹ từ tháng 1-11/2024, Mexico, Canada và Trung Quốc chiếm 123 tỷ USD, tương đương hơn một nửa giá trị.

Bà Mary Lovely, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng ngành ô tô có thể rất lo ngại về các loại thuế quan tiềm năng mới. Các công ty ô tô Mỹ đã có thể giữ chi phí sản xuất ở mức thấp bằng cách thuê công nhân với mức lương thấp hơn, đặc biệt là ở Mexico, nơi nhiều hoạt động sản xuất đã được chuyển đến trong những năm gần đây.

Bà Lovely nói thêm, việc tiết kiệm chi phí này về cơ bản sẽ bị xóa bỏ nếu các loại thuế quan mới có hiệu lực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục