Khả năng lạm phát tiếp tục tăng cao tại Italy

07:59' - 08/06/2022
BNEWS Cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat) cho biết nước này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng lạm phát, vốn đã ở mức cao kỷ lục là 6,9%, trong những tháng tới, trước khi lạm phát tăng chậm lại.
Một báo cáo của Istat viết: “Triển vọng trong vài tháng tới có đặc trưng là rủi ro cao, chẳng hạn như sự gia tăng hơn nữa trong hệ thống giá cả, sự suy giảm trong thương mại quốc tế và lãi suất tăng”.

 
Theo Istat, bất chấp khả năng giá hàng hóa sẽ ở mức vừa phải và giá dầu, bị gián đoạn bởi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ Nga, sẽ ổn định, người tiêu dùng và các nhà sản xuất Italy sẽ thấy tình hình "xấu đi đáng kể".

Massimiliano Dona, chủ tịch Liên minh người tiêu dùng quốc gia Italy, nói: "Thật không may rằng lập luận của những người, bắt đầu với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã dự đoán lạm phát giảm trong vài tháng, cho đến nay đã bị bác bỏ. Tôi sợ rằng những căng thẳng về nguyên liệu thô khó có thể giảm trong ngắn hạn và giá dầu mỏ sẽ không ổn định".

Ông Dona cũng dẫn dữ liệu của Istat cho rằng mức tiêu thụ cuối cùng tại Italy đã giảm rõ ràng trong 3 tháng đầu năm nay. Ông nói: "Chi tiêu hộ gia đình đã giảm 0,9% ... Chỉ trong một quý, tổng chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm hơn 2 tỷ euro [2,1 tỷ USD]. Nếu tiêu dùng tiếp tục giảm với tốc độ này, kinh tế sẽ suy thoái”.

Theo số liệu, được Istat công bố trước đó, lạm phát của Italy trong tháng 3/2022 đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 36 năm qua và tăng trong 11 tháng liên tiếp.

Cùng ngày, một báo cáo của Legacoop và Ipsos cho thấy khoảng 4/10 người dân Italy sẽ cắt giảm tiêu dùng do xung đột ở Ukraine. Theo báo cáo "FragilItalia", có tới 95% người dân Italy tin rằng cuộc xung đột sẽ gây ra hậu quả cho nền kinh tế nước này, 38% nghĩ rằng họ sẽ mất một phần sức mua do xung đột ,68% lo lắng chi phí sinh hoạt tăng.

Chủ tịch Legacoop, Mauro Lusetti, nói: “Ở một quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề tiền lương, việc chi phí sinh hoạt tăng sẽ làm giảm tiết kiệm, gia tăng bất bình đẳng và gieo rắc lo lắng. Chúng ta phải bảo vệ sức mua của người Italy và cần có các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng khẩn cấp về giá".

Trước đó, ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, bao gồm việc loại bỏ dần dầu mỏ của Nga. Gói trừng phạt mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển dầu bằng đường biển, trong khi dầu vận chuyển qua đường ống không bị hạn chế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục