Không thể để sim rác gây hệ lụy ​

14:11' - 14/04/2023
BNEWS Người sử dụng điện thoại thông minh ngày một tăng và phổ biến…. do đó, các hình thức lừa đảo qua điện thoại cũng ngày càng đa dạng.

Trong xu thế phát triển của xã hội, người sử dụng điện thoại thông minh ngày một tăng và phổ biến, họ dùng điện thoại như một nhu cầu tất yếu vào nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày như: trao đổi thông tin, mua hàng online, đặc biệt giao dịch tài chính, thanh toán…. do đó, các hình thức lừa đảo qua điện thoại cũng ngày càng đa dạng.

* Nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi

Thời gian gần đây có rất nhiều người dân phản ánh, những vụ việc lừa đảo qua điện thoại, chúng không chỉ giả mạo cá nhân mà chúng còn giả danh các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để lừa đảo người dân bằng nhiều hình thức như: phát tán các tin nhắn giả mạo cơ quan nhà nước; giả mạo thông qua các cuộc gọi “khóa tài khoản”…

Chị Huyền Bùi, tại Hà Nội cho biết, 19h 36 tối 1/4 vừa qua, có 1 tin nhắn từ  “ Tổng đài  Vietcombank gửi đến  điện thoại chồng chị với nội dung:  ứng dụng Digibank được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ và gửi kèm 1 đường link yêu cầu đăng nhập vào để đổi thiết bị hoặc huỷ đi.

Chồng chị thấy tin nhắn từ đúng tổng đài thì quá là uy tín rồi và ấn vào link, màn hình đăng nhập y hệt web chính chủ. Nhập ID và Pass xong rồi, đến đoạn chuẩn bị ấn đăng nhập thì may anh chồng thấy lạ khựng lại, thấy sai sai vì DIGIBANK là app trên điện thoại của VCB, mà lại gửi link giao diện web, xong nhìn lại link tên miền vietcombank.vn lại có them gạch ngang -ms.top. Chồng chị Huyền đã kịp thời dựng lại chuyển hết tiền sang tài khoản khác, rồi mới gọi hỏi tổng đài Vietcombank.

Tổng đài hỏi lại anh đã đăng nhập chưa?- chồng chị Huyền nói chưa ấn đăng nhập, bạn tổng đài viên nói: may mắn vì đây là chiêu thức lừa đảo mới, sau khi  người dung đăng nhập, nó sẽ báo OTP về máy, mình ấn vào cái là tài khoản trừ hết sạch tiền luôn!. Sau khi sự việc xẩy ra may do nhận biết nhanh  mà gia đình chị Huyền không bị mất tiền đã chia sẻ lên Facbook  để mọi người cảnh giác.

Chị Trần Thu Hà, chú tại Phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, không ít lần chị liên tục nhận được các cuộc gọi, tư vấn sức khỏe, mời mua hàng, mời tham gia buổi trải nghiệm sản phẩm trị liệu… thậm chí cả mời gọi đầu tư chứng khoán, nghỉ  dưỡng, mời vay tiền nhanh với thủ tục đơn giản. Không chỉ có các cuộc điện thoại, chị Hà còn nhận được tin nhắn làm việc online,  mời tuyển dụng việc nhẹ, lương cao… Liên tục bị làm phiền vì những cuộc gọi, tin nhắn rác, chị Hà cảm thấy lo lắng bất an vì không biết lúc nào mình hoặc người nhà sẽ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo.  

Gần đây, xuất hiện hành vi phạm tội của các đối khi biết thông tin người dùng, đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ ra rằng các đối tượng phạm tội công nghệ cao kiểu này thường thiết lập trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin quảng cáo dịch vụ... đến điện thoại của người dân. Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, thiết bị nhỏ gọn, thường xuyên thay đổi vị trí, địa điểm phát tán hoặc có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện vận tải nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn giả mạo SMS Brandname để gửi tin nhắn giả mạo, tuy các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo xong tình trạng người dân bị các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp diễn. Không những thế, đối tượng tấn công có thể giả mạo công an gửi tin nhắn truy nã, lệnh bắt giữ để yêu cầu người dùng cung cấp căn cước công dân, số điện thoại…và thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Hầu hết số điện thoại, tài khoản ngân hàng mà kẻ lừa đảo cung cấp đều là tài khoản rác, sử dụng thông tin giả hoặc được mua lại trên mạng.

Với số tài khoản ngân hàng, kẻ gian không bao giờ sử dụng tài khoản chính chủ. Thay vào đó, chúng mua lại hàng loạt tài khoản ngân hàng, hoặc lập ra từ thông tin đi thuê, mượn. Với số điện thoại, kẻ gian thường sử dụng dịch vụ gọi điện từ Internet (VOIP), hoặc sim rác để che giấu danh tính, vị trí. Sim rác là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng. Từ sim rác, kẻ xấu có thể gọi điện, nhắn tin lừa đảo, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo như tài khoản trên phần mềm chat, tài khoản ví điện tử. Đây là công cụ quan trọng dẫn đến tình trạng lừa đảo tràn lan thời gian qua.

*Kiên quyết sử lý nghiêm Sim rác

Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật, xử lý SIM rác, thuê bao không chính chủ, từ đó hạn chế các đối tượng xấu sử dụng số thuê bao di động thực hiện hành vi lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.  

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao được thực hiện độc lập giữa các nhà mạng viễn thông và sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ở góc độ người sử dụng, hiện nay mọi người dân đang dùng điện thoại thông minh vào nhiều hoạt động hàng ngày, như mở tài khoản ngân hàng, đăng nhập tài khoản ngân hàng, các app ứng dụng tiện ích mua sắm, tài khoản mạng xã hội, tài khoản học… đăng ký các giao dịch trực tuyến bằng số điện thoại.

Việc chuẩn hóa thông tin là tạo ra sự thống nhất, nhất quán thông tin cá nhân, từ đó tạo ra môi trường dịch vụ thông tin di động văn minh, an toàn cho các hoạt động giao dịch có liên quan đến số điện thoại. Ngoài ra, việc mỗi người dân đều dùng số điện thoại di động đã chuẩn hóa thông tin sẽ giúp nhà mạng có cơ hội phát triển thêm nhiều dịch vụ, ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bằng cách chủ động thực hiện chuẩn hóa thông tin, người dùng di động đã chung tay cùng với đơn vị quản lý nhà nước và nhà mạng tạo ra môi trường mạng di động văn minh, giảm bớt những hệ lụy từ những thông tin thuê bao không chính xác, không chính chủ.

Để chấn chỉnh, xử lý triệt để vấn đề sim rác, từ ngày 5/4 đến 5/6, Bộ  Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Nhóm bị thanh kiểm tra gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng sim số lượng lớn và có dấu hiệu bất thường, chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương cùng các điểm cung cấp dịch vụ có lượng thuê bao đăng ký lớn.

Thanh tra cá nhân đăng ký sử dụng từ 20 sim trở lên, các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký 50 sim trở lên, năm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có số lượng sim lớn nhất tại từng tỉnh thành. Đây là hoạt động tiếp theo của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm ngăn chặn sim rác.

​Bện cạnh đó, để hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức trên môi trường mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam -VNNIC)  đã xây dựng và triển khai Cổng tra cứu thông tin tên miền.

Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin website, tên miền bằng cách thực hiện nhắn tin miễn phí tới tổng đài 156 hoặc tra cứu trực tiếp tại Website https://tracuutenmien.gov.vn. Tra cứu thông tin tên miền để giúp nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Với các nhà mạng cũng đang tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chuẩn hóa thông tin thuê bao. Cụ thể, VinaPhone đã triển khai ba cách giúp người dùng cập nhật: qua ứng dụng, website và tại điểm bán. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm thông tin bổ sung. Trong khi đó, Viettel nói một trong các rào cản là tập khách hàng sai thông tin không lớn, nhưng trải dài ở nhiều khu vực. Nhà mạng đã nhắn tin nhưng số khách hàng phản hồi rất thấp.

Với những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông, di động, với sự quyết tâm của các nhà mạng viễn thông hợp tác của người dân trong vấn đề chuẩn hóa thông tin di động, hy vọng môi trường di động của Việt Nam sẽ trở nên minh bạch, an toàn hơn. Theo đó, số lượng tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và số vụ lừa đảo qua điện thoại di động sẽ giảm trong thời gian tới./.

>>>Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng số thuê bao di động cá nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục