Khủng hoảng chuỗi cung ứng tại Australia có thể sẽ kéo dài

14:04' - 16/02/2022
BNEWS Dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát tại Australia, nhưng khủng hoảng chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục gây ra sự khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, trên khắp các địa phương của "xứ chuột túi".

Một báo cáo mới công bố của Hiệp hội Bán lẻ Australia (ARA) cảnh báo các vấn đề về chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài thêm ít nhất 18 tháng nữa.

 

Giám đốc điều hành ARA Paul Zahra cho biết khối lượng sản phẩm và nguồn cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu là quá lớn. Do dịch bệnh gây ảnh hưởng, thời gian giao hàng trở nên không ổn định cả ở trong nước lẫn ngoài nước, trong khi tình trạng thiếu không gian vận chuyển hàng hóa và nhân lực đã trở thành một vấn đề lớn tại Australia trong thời gian vừa qua, khiến các nhà nhập khẩu không thể mua được hàng hóa và buộc phải tìm kiếm các thỏa thuận tài chính thay thế.

Ông Zahra nói, giá vận chuyển tiếp tục tăng cao, cùng với sự không chắc chắn về thời điểm hàng hóa đặt hàng từ nước ngoài sẽ về đến Australia, gây áp lực lên công việc kinh doanh của giới thương gia, vào đúng thời điểm mà họ đang phải "vật lộn" với tác động trực tiếp từ các đợt phong tỏa do bùng phát dịch COVID-19 ở trong nước.

Ông tiết lộ các nhà bán lẻ hiện báo cáo chi phí chuỗi cung ứng đã tăng gấp bảy lần và thời gian đặt hàng từ nước ngoài tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần so với trước đại dịch. Để giành quyền ưu tiên tiếp cận với nguồn hàng, các nhà bán lẻ phải đặt hàng và thanh toán sớm hơn trước rất nhiều, gây tồn đọng vốn và làm tăng rủi ro về sự không chắc chắn trong thị trường liên quan đến tâm lý và kỳ vọng của khách hàng.

Trong báo cáo, các thành viên ARA cho biết họ đã kêu gọi chính phủ Australia giúp đỡ, nhằm tạo lập sự ổn định cho hoạt động thương mại và thị trường.

Trong một bản báo cáo dự kiến sẽ đệ trình lên Ủy ban Ngân sách Liên bang vào tháng tới, ARA kêu gọi Canberra tái gia hạn các khoản trợ cấp tiền mặt cho  những doanh nghiệp gặp rủi ro, vốn được duy trì trong gần 2 năm qua, và ban hành chính sách giảm tiền thuê kho bãi, trụ sở trong thời gian doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ARA cũng kiến nghị Chính phủ  hỗ trợ cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 miễn phí để các công ty có thể tiến hành kiểm tra thường xuyên cho nhân viên của họ.

ARA cho biết, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, rất nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cuộc khủng hoảng nhân lực, đặc biệt là trong các ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, lộ trình giao hàng hiện kéo dài hơn so với trước đây khiến các doanh nghiệp phải huy động thêm nguồn vốn để có thể mua hàng trước và duy trì lượng hàng tồn kho lớn hơn.

Kết quả là, các công ty đang phải huy động thêm nguồn vốn dưới hình thức vay trên hóa đơn - một loại hình vay vốn liên quan đến những khoản vay ngắn hạn dựa trên khoản tiền phải thu của khách hàng (hóa đơn) nhằm tránh tình trạng tồn đọng vốn do chưa nhận được khoản thanh toán. Hình thức vay này có nhiều rủi ro và đã không được ưa chuộng trong khoảng một thập kỷ gần đây./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục