Khủng hoảng Evergrande và những hệ lụy kéo dài

06:30' - 02/02/2024
BNEWS Sau khi lệnh thanh lý được ban hành, Evergrande phải đình chỉ hoạt động tập đoàn, nhân viên thanh lý tiến hành định giá tài sản và thanh toán các khoản nợ theo trình tự pháp luật quy định.
Tòa án tối cao (Tòa án phúc thẩm) Hong Kong (Trung Quốc) đã ban hành lệnh thanh lý đối với Evergrande Group, cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hơn hai năm cuối cùng cũng khép lại. Mặc dù Evergrande bị thanh lý đã nằm trong dự đoán của thị trường, nhưng việc “gã khổng lồ” bất động sản này không thể cứu vãn tình hình vẫn là một đòn giáng mạnh đối với thị trường bất động sản và thị trường tài chính vốn đang chạm đáy của Trung Quốc.

Thẩm phán Tòa án tối cao Hong Kong Trần Tĩnh Phân (Linda Chan) nhấn mạnh phiên điều trần thanh lý Evergrande đã kéo dài một năm rưỡi, nhưng tập đoàn vẫn không thể đưa ra phương án tái cấu trúc cụ thể, hơn nữa liên tục yêu cầu trì hoãn phiên điều trần.

Cuối năm 2021, Evergrande xảy ra vỡ nợ, sau khi các chủ nợ đệ đơn xin thanh lý lên Tòa án tối cao Hong Kong vào tháng 6/2022, Evergrande nhiều lần nộp đơn xin gia hạn điều trần khiến phiên điều trần liên tiếp bị hoãn 7 lần. Trước phiên điều trần này, Evergrande đã đưa ra phương án tái cấu trúc nợ mới cho các chủ nợ, nhưng không thể đạt được thỏa thuận cụ thể.  

Theo báo cáo tài chính bổ sung năm 2023 của Evergrande, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ của tập đoàn này là hơn 2.400 tỷ nhân dân tệ, là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất toàn cầu. Sau khi lệnh thanh lý ban hành, ba cổ phiếu của hệ thống Evergrande niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong đều tạm ngưng giao dịch trong phiên. China Evergrande giảm 20,87% xuống còn 0,16 đô la Hong Kong (HKD), Evergrande New Energy Auto giảm 18% trước khi tạm ngưng giao dịch. Evergrande Prop Servs Gr giảm ít nhất 2,5% và sẽ phục hồi giao dịch vào ngày 30/1.

Evergrande đã lảo đảo trong hai năm qua, ba cổ phiểu cũng nhiều lần bị đình chỉ giao dịch, nhưng vẫn có hoạt động kinh doanh. Sau khi lệnh thanh lý được ban hành, Evergrande phải đình chỉ hoạt động tập đoàn, nhân viên thanh lý tiến hành định giá tài sản và thanh toán các khoản nợ theo trình tự pháp luật quy định. Sau khi kết thúc trình tự thanh lý, tập đoàn cũng sẽ giải thể. Có phân tích cho rằng, toàn bộ quá trình này cần ít nhất khoảng 5 năm.

Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý, nhưng trong thời gian này quá trình thanh lý vẫn tiếp tục diễn ra. Nếu Evergrande vẫn có thể đưa ra phương án tái cấu trúc mới, hoặc nhận được sự hỗ trợ của một công ty khác thì lệnh thanh lý có thể được hủy bỏ hoặc đình chỉ. Tuy nhiên, với tình trạng nợ quá cao của Evergrande, khả năng này dường như rất nhỏ.   

Hầu hết tài sản của Evergrande đã bị bán, bị các chủ nợ tịch thu hoặc tòa án phong tỏa. Công ty tư vấn Deloite sớm có phân tích cho rằng nếu Evergrande bị thanh lý, tỷ lệ thu hồi của các chủ nợ dự kiến là 3,4%. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Evergrande, Hứa Gia Ấn, bị điều tra do liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, tỷ lệ thu hồi đã giảm xuống dưới 3%.  

Luật sư Bành Thuật Cương của Văn phòng luật Hengdu (Hengdu Law Firm) phân tích cho rằng những thách thức mà các chủ nợ quốc tế của Evergrande phải đối mặt khi thu hồi nợ tồn đọng bao gồm sự khác biệt về hệ thống pháp lý và thủ tục thanh lý giữa Trung Quốc và Hong Kong, việc thi hành án xuyên biên giới có thể đối diện với những vấn đề như trình tự thủ tục phức tạp và thời gian kéo dài…

Cùng ngày Evergrande bị thanh lý, thỏa thuận công nhận lẫn nhau và thi hành phán quyết các vụ án dân sự, thương mại giữa Trung Quốc và Hong Kong chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung công nhận lẫn nhau không gồm các vụ án phá sản (thanh lý). Trong 3 thành phố thí điểm của Trung Quốc công nhận lệnh phá sản của Hong Kong có Thâm Quyến, nơi đăng ký của Evergrande. Luật sư Bành Thuật Cương nhấn mạnh rằng những trường hợp thí điểm như thế này là rất hiếm thấy.

Bên cạnh việc sử dụng các thỏa thuận hỗ trợ tư pháp của Trung Quốc và Hong Kong và ủy thác cho luật sư Trung Quốc, các chủ nợ cũng có thể cần khởi động thủ tục thanh lý độc lập ở Trung Quốc. Do nợ của Evergrande quá lớn, các dự án chưa hoàn thành trải rộng khắp các tỉnh/thành phố và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định xã hội…, nên việc công nhận và thi hành phán quyết thanh lý của Tòa án tối cao Hong Kong đối với Evergrande ở Trung Quốc là một quá trình dài và rất khó khăn.

Giám đốc điều hành của Evergrande Tiêu Ân bày tỏ đã “cố gắng hết sức và rất tiếc” về việc thanh lý, đồng thời nhấn mạnh tập đoàn sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm ổn định hoạt động kinh doanh trong nước, thúc đẩy ổn định các công tác trọng điểm như bảo đảm bàn giao nhà… Đồng thời, tập đoàn cũng tích cực phối hợp với nhân viên thanh lý để thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật.   

Tiếp sau Evergrande, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc lần lượt rơi vào khủng hoảng nợ, đòn giáng mạnh vào thị trường bất động sản và thị trường tài chính đến nay vẫn chưa phục hồi. Mặc dù chính phủ đã liên tục ban hành nhiều chính sách giải cứu thị trường trong năm 2023, nhưng vẫn chưa đảo ngược được xu hướng sụt giảm của thị trường. Evergrane bị thanh lý dự kiến sẽ tác động mạnh hơn đến niềm tin của các công ty bất động sản khác đang trong quá trình tái cấu trúc và niềm tin nhà đầu tư.  

Nghiêm Dược Tiến, Giám đốc nghiên cứu của E-house China R&D Institute cho rằng quá trình diễn biến vụ việc thanh lý Evergrande khiến mọi người cảm thấy nuối tiếc. Đây là một sự kiện nghiêm trọng trên lĩnh vực rủi ro tài chính bất động sản. Tuy nhiên, bản thân việc thanh lý có lợi cho mục đích ngăn chặn và hóa giải rủi ro tốt hơn, các công ty liên quan cũng cần phải quan tâm đến vấn đề tương tự và rút ra bài học kinh nghiệm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục