Kiến nghị truy thu 310 tỷ đồng tiền thuế trong Dự án bãi tắm Thùy Vân

20:43' - 04/10/2018
BNEWS Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng và chấp hành quy hoạch xây dựng tại Dự án bãi tắm Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu.

Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng và chấp hành quy hoạch xây dựng tại Dự án bãi tắm Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu.

Bãi tắm Thùy Vân được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu quy hoạch, lập dự án, giao Công ty Đầu tư Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khi đó là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nay là Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân từ năm 1996, để phát triển khu vực biển, lập lại trật tự, vệ sinh môi trường, phục vụ tốt hơn cho khách du lịch.

Theo các quyết định phê duyệt Dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1996, tổng chiều dài bãi tắm Thùy Vân là 3.000m, từ giáp ranh Khu du lịch Paradise (đường Thùy Vân hiện nay) đến đầu đường Phan Chu Trinh.

Thời gian thuê đất là 50 năm. Trong 35 năm đầu, tổng số tiền thuê đất được Nhà nước ghi thu, ghi chi giao lại cho Công ty Đầu tư Xây lắp của tỉnh. Từ năm thứ 36, Công ty Đầu tư Xây lắp phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định. Dự án khởi công tháng 11/1996 và dự kiến hoàn thành sau một năm.

Tháng 12/1997, Sở Địa chính tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ký Hợp đồng thuê đất số 11/HĐ/TĐ, diện tích hơn 17,66 ha đất chuyên dùng (đoạn từ tường rào Khu du lịch Paradise tới khách sạn Tháng Mười, đường Thùy Vân) với Công ty Đầu tư Xây lắp. Tiền thuê đất bắt đầu được tính từ ngày 30/11/1996 và nộp vào ngân sách tại Kho bạc Nhà nước tỉnh số tiền phải nộp hằng năm gần 1,7 tỉ đồng.

Từ tháng 9/1997 và trong năm 2003, 2004, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý cho 6 đơn vị thứ phát được ký hợp đồng với Công ty Đầu tư Xây lắp, thuê lại mặt bằng kinh doanh tại bãi tắm Thùy Vân gồm: Công ty Du lịch Vũng Tàu; Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí; Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch Ô Cấp; Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (nay là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng DIC Corp); Công ty Dịch vụ Du lịch quốc tế; Công ty Hưng Hải.

Qua thanh tra, việc thực hiện hợp đồng thuê đất của Công ty Đầu tư Xây lắp và cho các đơn vị thứ phát còn nhiều tồn tại. Cụ thể: Công ty Đầu tư Xây lắp không đầu tư xây dựng theo quy định, không quản lý đất thuê, không nộp tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thuê. Công ty Đầu tư Xây lắp và các đơn vị thuê thứ phát không nộp tiền thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng theo quy định.

Số tiền Công ty Đầu tư Xây lắp phải nộp hàng năm (từ khi thuê đến trước khi cổ phần hóa xong vào ngày 1/1/2006) là hơn 16 tỉ đồng nhưng đến nay Công ty Đầu tư Xây lắp chưa nộp vào ngân sách.

Còn giai đoạn sau khi Công ty Đầu tư Xây lắp cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC như hiện nay (không còn vốn nhà nước) thì công ty này và các công ty thứ phát mặc dù sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, hạ tầng; một số đơn vị hàng năm có nộp tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế nhưng không đầy đủ, chỉ đóng được khoảng hơn 46 tỉ đồng.

Số tiền tồn nợ thuế đất tính đến 31/12/2017 là gần 310 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số đơn vị đến thời điểm thanh tra (ngày 30/9/2017) đã hạch toán tiền thuê đất vào chi phí hoạt động kinh doanh hàng năm cao hơn số tiền thực nộp cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, các công ty thứ phát còn tự ý chuyển nhượng tài sản, hạ tầng trên đất, cho một số tổ chức, cá nhân khác thuê lại đất để kinh doanh và không ký hợp đồng đúng quy định…

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 310 tỉ đồng từ các đơn vị trên; đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến các sai phạm, cụ thể gồm: Chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai tại khu vực bãi tắm Thùy Vân; thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định các khoản nợ tiền thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân để tồn đọng nợ tiền thuê đất lớn; chuyển nhượng tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại mặt bằng không đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh; không chấp hành quy định về xây dựng dẫn đến một số công trình xây dựng không phép…

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị nên ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với các đơn vị đang sử dụng đất tại bãi tắm Thùy Vân...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện tại đang sử dụng đất tại bãi tắm Thùy Vân cho rằng, do các thủ tục cho thuê đất chưa được các cơ quan có thẩm quyền lập nên tính pháp lý để tính tiền thuê đất chưa chặt chẽ và không đồng ý nộp số tiền thuế đất trị giá gần 310 tỉ đồng theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh./.

Xem thêm:

>>Tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong nông, lâm trường còn nhiều

>>Phó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra đột xuất về đất đai tại Hoài Đức, Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục