Kim loại hiếm: Vũ khí giúp Trung Quốc thống lĩnh nền công nghiệp thế giới (Phần 1)

05:30' - 31/03/2018
BNEWS Kim loại hiếm là nguyên liệu của thế kỷ 21. Do sở hữu nguồn cung cấp đến 95% đất hiếm toàn thế giới, Trung Quốc nắm giữ vận mệnh của nhân loại trong tay.
Quá trình sản xuất từ cánh quạt gió đến pin Mặt trời hay xe ô tô điện đều bắt buộc phải có kim loại quý. Ảnh: TTXVN

Đó là kết luận được nhà báo Guillaume Pitron đưa ra trong tác phẩm “Chiến tranh kim loại hiếm, mặt trái của tiến trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số” vừa được ra mắt độc giả đầu năm 2018.

Than đá là nguyên liệu của thế kỷ 19. Thế kỷ 20 là thời đại của dầu mỏ. Bước vào thế kỷ 21, mọi hy vọng tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp mới được đặt vào hơn 30 kim loại hiếm mà 17 trong số này thuộc dòng đất hiếm, tới nay đã được khám phá và bắt đầu được biết đến với những tên gọi khá lạ tai như beryllium, vanadium, gallium…

Kim loại hiếm không chỉ là nguyên liệu của thế kỷ 21 do chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống hàng ngày, cho phép sản xuất từ bóng đèn LED đến tivi màn hình phẳng, từ điện thoại di động đến máy tính bảng, xe ô tô điện hay pin Mặt trời, mà chúng còn mang tính chiến lược cao. Từ ngành công nghệ không gian đến hạt nhân dân sự và quân sự đều không thể phát triển nếu thiếu đất hiếm, kim loại hiếm.

Theo tác giả cuốn sách trên, kim loại hiếm đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh. Trong tương lai, con người càng cần nhiều kim loại hiếm hơn để tạo ra năng lượng sạch.

Quá trình sản xuất từ cánh quạt gió đến pin Mặt trời hay xe ô tô điện đều bắt buộc phải có kim loại hiếm. Mặt khác, cuộc sống càng kết nối thì con người lại càng sử dụng nhiều kim loại hiếm với những phương tiện như là điện thoại cầm tay, máy tính bảng...

Các mảng công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo hay công nghệ robot đều không thể phát triển nếu không có kim loại hiếm. Nói tóm lại, thế kỷ 21 là thế kỷ của kim loại hiếm và con người ngày càng lệ thuộc vào sản phẩm này.

Trong phần mở đầu, Guillaume Pitron viết không phải vì lo Trái đất nóng lên mà các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ đã quan tâm đến vế chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực quân sự. Chính xác hơn là họ chú ý đến “tiến trình chuyển đổi về mặt chiến lược”.

Bên cạnh đó, tác giả nhận xét vào lúc nhân loại đang cuống cuồng đi tìm những nguồn năng lượng mới để thay thế các năng lượng hóa thạch thải ra hàng tỷ tấn carbon “hâm nóng” Trái đất, kim loại hiếm được xem là một vị cứu tinh.

Nhưng năng lượng xanh không đồng nghĩa với năng lượng sạch, bởi như tên gọi của chúng, đó là những “kim loại hiếm”, mà đã hiếm thì cần phải chắt lọc trước khi có được vài miligram của chất lutecium, indium...

Lấy ví dụ cobalt, ông Pitron cho hay không có cobalt thì không thể nói tới chuyện chế tạo động cơ điện cho xe ô tô. Mà đã gọi là kim loại hiếm tức là phải trải qua các khâu sàng lọc rồi chắt lọc để từ hàng tấn đất đá mới lấy ra được một lượng vô cùng nhỏ. 

Các khâu sàng lọc đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều chất hóa học khác, vừa độc hại vừa gây ô nhiễm cho môi trường.

Trước khi kim loại hiếm được dùng để phục vụ cho ngành công nghiệp xanh, thì con người cũng đã gây ô nhiễm không ít cho thiên nhiên.

Khâu lọc kim loại hiếm từ đất, đá là cả một quá trình thải ra nhiều chất bẩn không thể tưởng tượng nổi. Đâu đó để đạt đến đích cuối cùng, là tạo ra năng lượng sạch, thì ngay từ phần gốc của dây chuyền sản xuất là đã hoàn toàn không sạch chút nào.

Một phần lớn cuốn sách của Guillaume Pitron đã tập trung để nói về Trung Quốc, nguồn cung cấp lớn nhất và gần như độc quyền trên thế giới về kim loại hiếm.

Trung Quốc đang kiểm soát gần như toàn bộ đất hiếm được sử dụng trên hành tinh, chẳng những do được thiên nhiên ưu đãi, mà còn biết tung tiền ra mua những mỏ kim loại hiếm của các nước “bạn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục