Kinh tế ASEAN nỗ lực vượt "cơn gió ngược"

08:00' - 18/12/2023
BNEWS Nền kinh tế toàn cầu đã ghi nhận năm 2023 tăng trưởng yếu, một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và đà phục hồi còn chậm của kinh tế Trung Quốc sau dịch COVID-19.

Những yếu tố này được ví như "cơn gió ngược" tác động đến các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua thương mại.

 

Tuy vậy, kinh tế khu vực năm 2004 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi dù với tốc độ chậm hơn và lạm phát sẽ quay trở lại "vùng an toàn" của các ngân hàng trung ương.

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Ayudhya (Krungsri, Thái Lan) cho biết, năm 2023, kinh tế các nước ASEAN tiếp tục phục hồi, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2022, do nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu yếu hơn.

Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu từ ASEAN đã giảm tốc do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động du lịch.

Nhu cầu toàn cầu giảm sút được phản ánh trong hoạt động công nghiệp chậm lại, đặc biệt là ở các nước sản xuất chú trọng xuất khẩu như Malaysia...

Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ở Philippines (Phi-líp-pin) và Indonesia (In-đô-nê-xi-a) có sự cải thiện, phần lớn là do các nước này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa. Nhu cầu toàn cầu yếu đã làm giảm xuất khẩu hàng hóa, nhưng xuất khẩu dịch vụ - đặc biệt là du lịch - đang phục hồi nhanh chóng và sẽ phần nào bù đắp cho sự suy giảm trong xuất khẩu hàng hóa.

Trong nửa cuối năm 2023, tăng trưởng kinh tế ở ASEAN được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước bật tăng trở lại với sự phục hồi ổn định của thị trường lao động và lạm phát giảm bớt.

Hầu hết các nền kinh tế trong ASEAN ghi nhận lạm phát thấp hơn, chủ yếu nhờ giá cả hàng hóa ổn định, các nút thắt trong chuỗi cung ứng được nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây đã chậm lại do các yếu tố mang tính chu kỳ, nhưng vẫn đi lên bất chấp tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và những trở ngại tài chính.

Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI vào khu vực tăng 5% so với cùng kỳ năm trước lên 223 tỷ USD vào năm 2022, mức mạnh nhất từng được ghi nhận.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nền kinh tế phương Tây chậm lại đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được kỳ vọng sẽ tạo ra những nền tảng vững chắc để mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực. Các quốc gia ASEAN sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Báo cáo của Krungsri dự báo nền kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024, nhờ nhu cầu trong nước ổn định, thị trường việc làm mạnh mẽ, đóng góp cải thiện từ khu vực dịch vụ và có khả năng chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.

Lạm phát ở mức “vừa phải” và đang hướng tới mục tiêu của ngân hàng trung ương nhờ giá hàng hóa giảm, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Hầu hết các ngân hàng trung ương ở ASEAN đã tạm dừng tăng lãi suất và chiều hướng này có thể tiếp diễn. Ngoài ra, tình trạng lạm phát dịu lại ở hầu hết các quốc gia sẽ mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất nếu cần thiết.

Tuy vậy, Krungsri nhận định các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và hiệu ứng El Niño có thể kéo lùi các nền kinh tế ASEAN, chủ yếu thông qua các kênh thương mại.

Theo đó, các nước phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu sẽ cảm nhận được gánh nặng của sự suy thoái này. Tác động của những cơn gió ngược này sẽ khác nhau giữa các quốc gia dựa trên khả năng xuất khẩu tương ứng của họ. Những nước có quan hệ thương mại quan trọng với Mỹ và Trung Quốc sẽ dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong một báo cáo tháng 11/2023, ngân hàng HSBC (Anh) dự báo tăng trưởng chung của các nền kinh tế lớn thuộc nhóm “ASEAN 6” - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore (Xin-ga-po), Thái Lan và Việt Nam - sẽ đạt mức 4,6% vào năm 2024, tăng từ mức 4% trong năm nay. Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng này khác nhau ở mỗi quốc gia, từ 2,4% đối với Singapore đến 6,3% đối với Việt Nam.

Trong đánh giá về Việt Nam, báo cáo của Krungsri cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.

Theo báo cáo của Krungsri, đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Sự phục hồi của ngành du lịch và khu vực dịch vụ liên quan sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong trung hạn, Việt Nam dự kiến sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực (dự kiến tăng trưởng trung bình 6,7%/năm trong 5 năm tới), nhờ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục