Kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong ngắn hạn

16:19' - 20/12/2022
BNEWS Hàn Quốc sẽ hứng chịu giai đoạn ảm đạm của nền kinh tế ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2023 khi người dân “xứ Kim chi” bắt đầu thấy rõ những tác động của việc tăng lãi suất trong vài tháng qua.

Theo nhận định của tờ nhật báo The Hankyoreh, Hàn Quốc sẽ hứng chịu giai đoạn ảm đạm của nền kinh tế ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2023 khi người dân “xứ Kim chi” bắt đầu thấy rõ những tác động của việc tăng lãi suất mạnh mẽ trong vài tháng qua.

 

Tình hình của Hàn Quốc rất giống với tình hình ở Mỹ khi lãi suất chuẩn đã tăng từ 1,25% trong tháng 1/2022 lên 3,25% vào tháng 11 vừa qua. Mức tăng dự kiến sẽ gây áp lực lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thực trong năm 2023, bao gồm cả tiêu dùng, đầu tư và tuyển dụng.

Lee Seung-han, người đứng đầu Văn phòng phân tích kinh tế của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF), cho biết: “Thông thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để tác động của việc tăng lãi suất phản ánh trên toàn bộ nền kinh tế thực. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất dường như sẽ xảy ra ở Hàn Quốc vào nửa đầu năm 2023 do tác động tổng hợp của giá cả và lãi suất cao”.

Ở Hàn Quốc, tiêu dùng nội địa đã có dấu hiệu chững lại khi những người có thu nhập cao lại là những người đầu tiên “đóng hầu bao”. Doanh số bán hàng của các trung tâm thương mại lớn như Shinsegae trong tháng 11/2022 đã giảm 1,3% so với cùng thời điểm của năm 2021 và giảm tới 10,5% so với một tháng trước đó.

Một nguồn tin trong ngành cho biết: “Mức độ sẵn sàng tiêu dùng đã cạn kiệt nhanh chóng với lãi suất cao hơn và các giao dịch mua bán nhà ở giảm mạnh”.

Theo số liệu của MOEF, doanh số tháng 11/2022 của ba trung tâm thương mại lớn ở Hàn Quốc (gồm Lotte, Hyundai và Shinsegae) chỉ tăng 1,1% so với cùng thời điểm của năm 2021. Tỷ lệ tăng cũng đã giảm hẳn so với mức 7% một tháng trước đó. Ngoài ra, một sự sụt giảm nghiêm trọng khác được quan sát thấy đối với ô tô, trong đó doanh số bán hàng ở thị trường nội địa tháng 10/2022 đã giảm 7,8% so với một tháng trước.

Tiêu dùng chậm lại ở Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn như Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng có khả năng giáng một đòn mạnh vào sản xuất và xuất khẩu đối với các ngành sản xuất trụ cột của Hàn Quốc. Doanh số bán lẻ tháng 11/2022 tại Mỹ (thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới) giảm 0,6% so với mức của tháng 10 bất chấp các dịp mua sắm lớn như “Black Friday” cũng cho thấy mức giảm lớn nhất trong 11 tháng của năm 2022.

Khi mức tiêu thụ đình trệ ở những thị trường lớn này, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu (tỷ lệ I/S) hoặc chỉ số hàng tồn kho của ngành sản xuất chia cho chỉ số vận chuyển của nhà máy, đã ở mức trên 120% trong tháng thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 6/2022 đối với chất bán dẫn và sản xuất nội địa.

Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 khi duy trì ở mức 127,5%. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dự đoán rằng xuất khẩu các sản phẩm của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2023 với mức giảm 3,7% so với nửa đầu năm 2022.

Những lo ngại rằng các nhà hàng và các ngành dịch vụ khác ở Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đang trở thành hiện thực. Mặc dù trong quý III/2022, doanh thu của nhà hàng và khách sạn của Hàn Quốc đã tăng 7,7% so với quý II. Song đến tháng 10, xu hướng này đã đảo ngược khi suy thoái kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng Hàn Quốc.

Trong một báo cáo được công bố vào năm 2021, BoK ước tính, khi tỷ lệ cho vay trên giá trị trung bình của các hộ gia đình là khoảng 75%, giá nhà đất giảm 20% sẽ dẫn đến mức tiêu dùng giảm tới 4% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là mức nợ hộ gia đình cao (chẳng hạn như ở Hàn Quốc) đồng nghĩa với một đòn giáng mạnh hơn vào nền kinh tế thực trong các lĩnh vực như tiêu dùng và tuyển dụng.

Tình hình trên đã khiến các tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo thấp dần về tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2023. Vào tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc đạt 2% vào năm 2023. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra ước tính 1,8% vào giữa tháng 12 trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra con số 1,5%.

Ngoài năm 2020 vốn được xem là năm nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 khi tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc chỉ đạt âm 0,7%, đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng được dự đoán ở mức dưới 2% kể từ năm khủng hoảng tài chính 2009 (với 0,8%).

Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận rằng nền kinh tế nước này năm 2023 sẽ “ở trong tình trạng khó khăn hơn năm nay” song vẫn nhấn mạnh rằng đó sẽ “không phải là một cuộc khủng hoảng như trong quá khứ”.

Với tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc (phản ánh tốc độ có thể đạt được thông qua việc sử dụng đủ lao động và vốn) hiện chỉ còn hơn 2%, tốc độ tăng trưởng dự kiến trong khoảng 1%-2% không thể hiện cú sốc đối với nền kinh tế thực ngang bằng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối những năm 2000.

Tình hình này cũng có thể giải thích tại sao chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol không có dấu hiệu rõ ràng về các biện pháp hỗ trợ chính sách cho người dân bình thường so với các biện pháp chuyên sâu về bất động sản (như nới lỏng các quy định đối với chủ nhà sở hữu nhiều tài sản).

Kang Byung-goo, Giáo sư kinh tế tại Đại học Inha (Hàn Quốc), giải thích: “Khả năng đáp ứng các điều kiện kinh tế thông qua thuế và các biện pháp tài chính của Hàn Quốc yếu hơn so với các thành viên OECD khác”. Ông nhấn mạnh: “Thay vì chỉ dựa vào các hệ thống hiện có, Chính phủ Hàn Quốc nên tăng cường vai trò tái phân phối thuế và sử dụng các nguồn lực để xây dựng một mạng lưới an toàn vững chắc cho xã hội và người lao động”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục