Kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng lâu dài từ các cuộc chiến thương mại

11:09' - 25/02/2020
BNEWS Theo Chủ tịch Fed chi nhánh vùng Cleveland, căng thẳng thương mại suốt hai năm qua có thể để lại tác động lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ.
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN 

Bà Loretta Mester, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh vùng Cleveland, ngày 24/2 nhận định rằng sự căng thẳng thương mại suốt hai năm qua có thể để lại tác động lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ, dù cho những diễn biến tích cực giúp xoa dịu tình hình trong thời gian gần đây.

Trong bài phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), bà Mester cho rằng cùng với thỏa thuận thương mại Giai đoạn một được ký với Trung Quốc để "đình chiến", dù nhiều mức thuế vẫn còn đang áp dụng, cũng như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, bức tranh thương mại đã phần nào sáng hơn khi bước vào năm 2020.

Tuy nhiên, bà cho rằng các cuộc chiến thương mại có thể có những ảnh hưởng lâu dài. Bà giải thích dù tình hình bất ổn được xoa dịu đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trước đây trì hoãn nhiều kế hoạch kinh doanh thì giờ đây có khả năng đầu tư hơn.

Tuy nhiên, nhiều công ty nước ngoài đã chuyển hướng chuỗi cung ứng của họ khỏi các doanh nghiệp Mỹ, có nghĩa là nền kinh tế có thể sẽ mất đi hoạt động xuất khẩu kèm theo đó.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư ảm đạm cũng là một mối lo ngại. Theo bà Mester, nếu không có đầu tư vào công nghệ mới và tài sản cố định, năng suất sẽ tiếp tục yếu, từ đó làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và các tiêu chuẩn sống.

Ngoài ra, bà Mester cảnh báo sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc cũng là một nguy cơ đối với triển vọng kinh tế.

Bà cho biết đến thời điểm này, vẫn chưa thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng kinh tế của tình hình dịch bệnh và khó để so sánh dịch COVID-19 với những vấn đề y tế trước đây, như dịch SARS năm 2003, vốn chỉ tác động nhẹ đến kinh tế Mỹ.

Bà cho biết khi dịch SARS bùng phát năm 2003, Trung Quốc không phải là một nền kinh tế lớn như bây giờ, vì thế tác động từ dịch bệnh lần này có thể sẽ lớn hơn nếu các chuỗi cung ứng bị gián đoạn hay hoạt động đầu tư bị trì hoãn.

Mặt khác, so với năm 2003, hiện giờ Trung Quốc đã có nhiều nguồn lực hơn để đối phó với dịch bệnh, vì thế thiệt hại đối với nền kinh tế có thể được hạn chế.

Bà Mester, một thành viên có quyền biểu quyết của Ủy ban thị trường mở Liên bang của Fed trong năm nay, cũng khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ.

Bà cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tiếp tục chuyển biến tốt với một thị trường lao động "khỏe mạnh" và mức tăng trưởng khoảng 2%, thấp hơn chút ít so với năm ngoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục