Kinh tế nhiều nước châu Âu đồng loạt suy giảm trầm trọng

07:42' - 01/09/2020
BNEWS Ngày 31/8, Cơ quan Thống kê Italy (ISTAT) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2020 giảm 12,8% và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1995.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trước tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn đại dịch lây lan, ISTAT cho hay, GDP quý II/2020 của Italy giảm 12,8% so với quý I/2020, và giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ISTAT, GDP giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm với ảnh hưởng tiêu cực từ tiêu dùng tư nhân, đầu tư và hàng tồn kho.

So với quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng giảm 8,7%, mức tổng đầu tư cố định giảm 14,9%, xuất và nhập khẩu giảm lần lượt 20,5% và 26,4%. Các ngành sản xuất chính cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực, trong đó, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ giảm lần lượt là 3,7%, 20,2% và 11%; và chi tiêu hộ gia định giảm 12,4%.

Mặc dù chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hoạt động sa thải nhân viên, song đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động xấu tới thị trường lao động. ISTAT ước tính, trong quý II, lao động toàn thời gian giảm 11,8% so với quý I.

Trong khi đó, phần lớn các lao động có thời hạn đều mất việc làm, và nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh khiến cơ hội làm việc của giới trẻ đang ngày càng khó khăn.

Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô của các ngành dịch vụ, du lịch khiến hàng chục nghìn lao động mất việc làm.

Theo đó, ISTAT khuyến cáo cần khởi động lại nền kinh tế và nâng cao niềm tin vào tương lai đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, một tháng sau khi ghi nhận lạm phát âm lần đầu  tiên kể từ năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức 0% trong tháng 8/2020.

Cơ quan trên cho biết, sau khi giảm 0,1% trong tháng 7/2020, lạm phát đã dừng ở mức 0% trong tháng 8, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,9% trong tháng 6 do tác động của dịch COVID-19.

Nhà kinh tế trưởng Uwe Burkert của Ngân hàng LBBW cho biết lạm phát sẽ không tăng đáng kể cho tới đầu năm sau. Ông nhận định sau khi "tụt dốc" trong tháng 7 do giảm thuế VAT, lạm phát hiện tại sẽ dừng ở 0% và mức này có thể vẫn duy trì trong vài tháng tới.

Dự báo, GDP của Đức sẽ giảm hơn 6% trong cả năm 2020. Theo biểu tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), gọi là Chỉ số Giá tiêu dùng hài hòa (HICP), lạm phát năm 2020 của Đức sẽ giảm 0,1% so với năm 2019.

Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm kỷ lục - tới 40% trong quý II/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới doanh thu của ngành du lịch.

Theo số liệu của Viện Thống kê quốc gia (INE), GDP từ tháng 4-6/2020 đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 13,9% so với quý trước đó.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong cùng kỳ cũng giảm khoảng 40% xuống còn 13,3 tỷ euro so với năm ngoái. Tiêu dùng của khu vực tư nhân cũng giảm khoảng 14% xuống còn 28 tỷ euro và đầu tư giảm gần 11% xuống gần 9 tỷ euro.

Phát biểu với báo giới sau khi những số liệu trên được công bố, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết: "Đây là một sự đình trệ thảm hại chưa từng có mà quốc gia thành viên Khu vực đồng euro này từng gặp và đây có thể vẫn chỉ là một phần của tảng băng chìm".          

Không ngoại lệ, Nga cũng đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga thông báo lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm chỉ còn 1/25 so với cùng kỳ năm ngoái khi giá dầu và khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo đó, lợi nhuận ròng của Gazprom chỉ đạt 32,9% tỷ rubble (447 triệu USD) so với mức 836,5 tỷ rubble cùng kỳ năm 2019. Doanh thu cũng giảm 1/3 xuống còn 2,9 nghìn tỷ rubble.

Tại châu Á, tối 31/8, Văn phòng Thống kê quốc gia Ấn Độ (NSO) cũng công bố số liệu kinh tế của nước này trong quý đầu của tài khóa 2020-2021 (kết thúc ngày 30/6/2020).

Theo đó, GDP của Ấn Độ trong giai đoạn này giảm tới 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất nhất kể từ khi New Delhi bắt đầu báo cáo số liệu hằng quý từ năm 1996.

Trong khi đó theo Bộ Công thương Ấn Độ, Chỉ số kết hợp của 8 ngành công nghiệp cốt lõi trong tháng 7 vừa qua đạt 119,9, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ tháng 4-7 của tài khóa 2020-2021, chỉ số này là âm 20,5%.

Bên cạnh đó, thâm hụt tài khóa của Ấn Độ trong cùng thời gian từ tháng 4-7 vừa qua ở mức 8,21 nghìn tỷ rupee (gần 112 tỷ USD – đạt 103,1% kế hoạch của cả tài khóa), so với mức 5,47 nghìn tỷ rupee của 1 năm trước.

Theo số liệu, hoạt động đầu tư, chi tiêu vốn suy yếu và nhu cầu tiêu dùng thấp đã tác động mạnh đến các lĩnh vực sản xuất (âm 39,3%), công nghiệp (âm 38,1%), dịch vụ (âm 20,6%), thương mại, khách sạn (âm 47%)… cho dù lĩnh vực nông nghiệp chứng kiến mức tăng trưởng dương 3,4% trong quý vừa qua.

Các chuyên gia dự báo phục hồi kinh tế của Ấn Độ trong quý 2 sẽ không diễn ra như kỳ vọng do nhiều nhiều bang áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ trong tháng 7 và tháng 8.

Nguy cơ các vụ vỡ nợ hiện hữu sau khi lệnh hoãn nợ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI – ngân hàng trung ương) kết thúc vào ngày 31/8, cũng đang làm gia tăng mối lo ngại của ngành ngân hàng và điều này có thể làm giảm hoạt động cho vay.

Bên cạnh đó là những mối lo về nợ của hộ gia đình trong thời điểm thu nhập trì trệ, cắt giảm lương và mất việc làm trên diện rộng. Do đó, các chuyên gia đã loại trừ khả năng tiêu dùng bùng nổ bởi nợ hộ gia đình gia tăng và ngân hàng ngần ngại cho vay.

Trong thời gian tới, tính bền vững của chu kỳ phục hồi kinh tế tại Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào thời điểm nước này có thể làm phẳng đường cong dịch tễ của đại dịch COVID-19./. 

>>>Nghị viện châu Âu đặt điều kiện cho việc phê chuẩn kế hoạch ngân sách dài hạn của EU

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục