Kinh tế Thái Lan cần sự phục hồi mới?

06:30' - 05/06/2024
BNEWS Sau khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trong khu vực, Chính phủ Thái Lan bắt đầu tăng tốc kích thích nền kinh tế phục hồi.

Theo bài viết phân tích trên The Bangkok Post, nền kinh tế này rất cần một sự hồi phục mới.

Vào tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin lần đầu tiên đã triệu tập một cuộc họp Nội các bàn về kinh tế. Nhấn mạnh đến nguy cơ suy thoái, nếu loại trừ lĩnh vực dịch vụ và du lịch, Thủ tướng Thavisin yêu cầu trong thời gian tới Nội các sẽ họp hàng tuần, mục tiêu nỗ lực vực dậy nền kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp bách.
 
Trong khi các quan chức đang thể hiện sự lo lắng trước tình hình kinh tế của đất nước, khu vực tư nhân Thái Lan đã bày tỏ một số quan điểm khác nhau về rủi ro suy thoái, trong đó nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng ngành du lịch có thể không còn đủ mạnh để làm trụ cột cho nền kinh tế trong dài hạn, nếu không có định hướng phát triển phù hợp.
 
* Ít khả năng suy thoái

Các thành viên của Liên đoàn Hiệp hội Du lịch Thái Lan (Fetta) tin rằng ngành du lịch không thể là chỗ dựa duy nhất để cứu nền kinh tế Đông Nam Á khỏi suy thoái. Ông Sisdivacr Cheewarattanaporn, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Thái Lan và là thành viên của Fetta, cho biết các vấn đề về phía nguồn cung đã không được giải quyết nghiêm túc trong nhiều thập kỷ, điều này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Thái Lan về lâu dài.

Ông Sisdivacr đánh giá mục tiêu nhà nước đạt doanh thu du lịch 3.500 tỷ baht (94,97 tỷ USD) trong năm 2024 là một thách thức thực sự, vì không phải tất cả các thị trường quốc tế đều lành mạnh và phát triển. Ví dụ, nhiều người Trung Quốc phải thắt chặt ngân sách du lịch khi nền kinh tế đại lục trì trệ.

Trong khi Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm nay, ông Sisdivacr cho biết, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là 7 triệu lượt khách Trung Quốc đến với Thái Lan, với chi tiêu dự kiến không thay đổi dựa trên hành vi, sở thích và xu hướng của khách du lịch.

Tuy nhiên, ông Sisdivacr khẳng định, Thái Lan có thể không rơi vào suy thoái trong năm nay nếu các lĩnh vực khác như công nghiệp và xuất khẩu được chính phủ cung cấp thêm các biện pháp kích thích.

Bộ Tài chính và Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) đều tin rằng nền kinh tế khó có thể đối mặt với suy thoái trong năm nay và tốc độ tăng trưởng sẽ tăng tốc trong những tháng còn lại của năm.

Một nguồn tin giấu tên của Bộ này cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý I/2024 tương đối thấp, ở mức 1,5%, nhưng vẫn có sự lạc quan rằng tốc độ sẽ tăng nhanh đáng kể trong những tháng còn lại của năm. Nguồn tin cho biết: “Rất có khả năng tốc độ tăng trưởng có thể vượt 2,4% vào năm 2024 nếu tốc độ tăng tốc trong mỗi quý tiếp theo và đạt đỉnh vào quý IV/2023”.
 

* Những chỉ số hứa hẹn

Nguồn tin trích dẫn các dữ liệu gần đây nhất từ tháng 4/2024, cho thấy quỹ đạo tăng trưởng kinh tế nhiều hứa hẹn hơn so với quý I/2024. Đáng chú ý, lượng khách du lịch đến Thái Lan tăng 4% so với tháng trước.

Tháng Tư cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại, đạt 6,8%. Mặc dù dữ liệu về sản xuất công nghiệp vẫn chưa được công bố nhưng các doanh nghiệp Thái Lan kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực này cũng rất lạc quan.

Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính Thái Lan, những rủi ro chính cần theo dõi bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vốn bị cản trở bởi lĩnh vực bất động sản; xung đột địa chính trị giữa các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, cũng như xung đột ở Trung Đông và sự ổn định của Chính phủ Thái Lan.

NESDC dự báo mức tăng trưởng hàng năm của nước này sẽ là 2,5% trong năm nay, giao động trong khoảng 2-3%. Đây sẽ là một sự cải thiện so với mức tăng trưởng khiêm tốn 1,9% của năm 2023. NESCD cũng kỳ vọng yếu tố hỗ trợ trong năm 2024sẽ là việc đẩy nhanh giải ngân ngân sách đầu tư của chính phủ sau khi triển khai ngân sách tài khóa 2024 vào cuối tháng Tư, sau 7 tháng trì hoãn.

Theo NESDC, các động lực khác bao gồm sự phục hồi đang diễn ra trong lĩnh vực du lịch, khi lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên; tăng trưởng tiêu dùng nội địa, đặc biệt là dịch vụ; và sự gia tăng đầu tư tư nhân, phù hợp với sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa vốn, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp và sự phục hồi dần dần của xuất khẩu khi thương mại toàn cầu phục hồi.

NESCD cho biết, rủi ro kinh tế bao gồm gánh nặng nợ hộ gia đình và doanh nghiệp cao, cùng với nghĩa vụ lãi suất tăng cao, khiến các tổ chức tài chính phải tăng cường thận trọng khi cho vay; tác động của biến đổi khí hậu; rủi ro từ biến động kinh tế và thương mại toàn cầu có thể leo thang do xung đột địa chính trị; và những thay đổi trong định hướng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, cũng như sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

* Nguy cơ suy thoái kỹ thuật?

Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul nhận định suy thoái kỹ thuật có nghĩa là nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. Tuy vậy, nhìn lại nền kinh tế Thái Lan trong sáu quý vừa qua, từ quý IV/2022 đến nay, có thể thấy rõ rằng GDP của Thái Lan tuy không tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn ở mức dương, dao động quanh mốc 2%. Ông Sanan nhìn nhận không có dấu hiệu nào cho thấy có một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Theo Phòng Thương mại Thái Lan, tăng trưởng GDP quý đầu năm nay thấp là do sự chậm trễ trong việc thành lập chính phủ và giải ngân ngân sách hàng năm. Điều này dẫn đến sự sụt giảm trong chi tiêu chính phủ, cả về đầu tư và chi thường xuyên, gây ra sự chậm lại trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng.

Khu vực xuất khẩu cũng suy giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Thái Lan, cùng với việc ngành nông nghiệp bị hạn hán.

Tuy nhiên, ông Sanan cho biết, cuộc họp gần đây của các bộ trưởng liên quan lĩnh vực kinh tế dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp kích thích mới. Phòng Thương mại dự đoán sự cải thiện kinh tế trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là về du lịch, dự kiến sẽ đáp ứng mục tiêu của nhà nước là 36 triệu lượt khách nước ngoài, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Hơn nữa, chi tiêu ngân sách hàng năm cho năm tài chính 2024 dự kiến sẽ được bơm vào nền kinh tế, cùng với những đóng góp tiềm năng từ chương trình ví kỹ thuật số trong quý cuối cùng của năm nay. Ông cho hay những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự mở rộng trong tất cả các lĩnh vực.

Ông Sanan cũng cho biết thêm các biến số kinh tế cần theo dõi bao gồm chính trị trong nước và các vấn đề địa chính trị vì chúng sẽ ảnh hưởng đến việc liệu nền kinh tế Thái Lan có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không.

* Những thay đổi công nghiệp lớn

Ông Tanit Sorat, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Thái Lan (EconThai), chia sẻ, lĩnh vực sản xuất cần có sự thay đổi nghiêm túc để đạt tăng trưởng GDP, mặc dù nền kinh tế trì trệ sẽ không rơi vào suy thoái.

Ông cho biết, tăng trưởng GDP vẫn ở mức thấp trong một thập kỷ do sự kết hợp của các yếu tố kinh tế và chính trị, bao gồm cả cuộc đảo chính quân sự làm chậm lại một số dự án nhà nước. Ông Tanit kêu gọi có kế hoạch cải tiến công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời đảm bảo có đủ số lượng công nhân để phục vụ các nhà sản xuất.

Theo ông Tanit, Chính phủ Thái Lan đã thúc đẩy Công nghiệp 4.0 (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) trong nhiều năm, khuyến khích các nhà điều hành nhà máy kết hợp công nghệ kỹ thuật số với phân tích dữ liệu, nhưng hầu hết các ngành đều ở cấp độ Công nghiệp 2.0, tập trung vào năng suất và năng lực sản xuất đáng kể.

Ông Tanit nói, Thái Lan đã bị mắc kẹt ở mức này trong một thời gian do các nhà sản xuất tiếp tục hoạt động trong một số ngành nông nghiệp không thể cạnh tranh với các nước khác trong bối cảnh giá nông sản biến động cao trên thị trường toàn cầu.

Báo cáo của Bộ Công nghiệp năm 2021 cho thấy 61% ngành công nghiệp trong nước đang ở Công nghiệp 2.0, chỉ có 2% được phân loại là Công nghiệp 4.0. Khoảng 28% thuộc Công nghiệp 3.0, sử dụng nhiều công nghệ hơn, bao gồm cả hệ thống tự động hóa, để thay thế lao động con người. Khoảng 9% ở giai đoạn Công nghiệp 1.0, mức phát triển công nghệ thấp nhất, sử dụng một số máy móc trong quá trình sản xuất.

Ông cho hay Thái Lan từng là trung tâm sản xuất ổ đĩa cứng, nhưng chúng đã trở thành "công nghệ cũ" và nước này cần tập trung vào sản xuất bảng mạch in bán dẫn và thiết bị điện tử thông minh.

Trong lĩnh vực ô tô, quốc gia này từng được mệnh danh là "Detroit của châu Á" nhờ vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu cho xe động cơ đốt trong (ICE). Tuy nhiên, tương tự như sự chuyển đổi từ ổ đĩa cứng, công nghệ ICE đang dần được thay thế bằng xe điện (EV), buộc ngành này phải chuyển đổi.

Ông Tanit nhấn mạnh: “Xe điện có thể giúp kích thích sự phát triển của các sản phẩm số mới”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề khan hiếm lao động, vốn đã khiến Thái Lan phải nhập khẩu hàng triệu lao động nhập cư từ các nước láng giềng.
 
* Sự phục hồi dần dần

KKP Research, một trung tâm nghiên cứu thuộc Tập đoàn tài chính Kiatnakin Phatra, cũng dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm nay với dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 2,6%. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể rất mong manh do có nhiều vấn đề cơ cấu cơ bản khác nhau.

Theo KKP Research, Thái Lan ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong khu vực trong giai đoạn hậu đại dịch, sau khi giảm 6,1% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng tiếp theo lần lượt là 1,6%, 2,5% và 1,9% vào các năm 2021, 2022 và 2023.

Kể từ năm 2021, tăng trưởng GDP của Thái Lan liên tục tụt hậu so với tốc độ tăng trưởng tiềm năng, dao động từ 3-3,5% trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Theo trung tâm này, nền kinh tế Thái Lan đang phải vật lộn với những thách thức cơ bản về cơ cấu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, do sự gián đoạn số và sự thay đổi nhu cầu toàn cầu.

KKP Research phân tích, xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng đã giảm, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của đất nước một phần được thúc đẩy bởi việc định tuyến lại chứ không phải mở rộng hữu cơ.

Hơn nữa, nền kinh tế Thái Lan đã bước vào chu kỳ giảm đòn bẩy, nghĩa là trả nợ thay vì tăng trưởng cho vay. Do nợ hộ gia đình tăng cao trong nước, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu. Hậu quả là các ngân hàng thắt chặt xét duyệt khoản vay, ảnh hưởng đến thanh khoản của doanh nghiệp và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Trung tâm nghiên cứu này cho biết, lĩnh vực dịch vụ là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP sau đại dịch ở Thái Lan. Kể từ năm 2021, lĩnh vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng trung bình 3%, trái ngược hoàn toàn với mức giảm 0,5% của lĩnh vực sản xuất.  Tuy nhiên, theo KKP Research, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu nước ngoài, đặc biệt là từ du khách nước ngoài, trong khi việc sử dụng năng lực của lĩnh vực sản xuất vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đồng đều này, một số phân khúc đã chững lại, dẫn đến số lượng doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng. Kể từ đầu năm 2023, số lượng nhà máy đóng cửa đã tăng từ 1.100 lên 1.700 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ đóng cửa tăng mạnh vào nửa cuối năm ngoái, tương ứng với chỉ số sản xuất yếu hơn.

* Không loại trừ khả năng nền kinh tế rơi vào trạng thái "xác sống"

Các nhà phân tích cho rằng những bất ổn chính trị ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện đầu tư trong tuần qua, trong khi thiếu các yếu tố tích cực như các biện pháp kích thích ngắn hạn.

Ông Saharat Chudsuwan, Phó giám đốc điều hành của Tisco Asset Management, cho biết kết quả vụ kiện lên Tòa án Hiến pháp việc Thủ tướng Srettha bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng chưa rõ ràng nhưng chắc chắn các vấn đề chính trị đã ảnh hưởng đến đầu tư, khiến nhà đầu tư phải chờ xem kết quả.

Theo ông Saharat, nếu Thủ tướng Srettha bị kết tội, nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái “xác sống” (zombie), nhưng không suy thoái vì lĩnh vực du lịch và xuất khẩu đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thiếu các biện pháp kích thích khiến nền kinh tế không thể phát triển như bình thường.

Ông Saharat cho rằng tình hình chính trị không ổn định, trong khi nền kinh tế và lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng đôi chút không hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Thái Lan. Tuy nhiên, nếu lãi suất được cắt giảm và tốc độ giải ngân ngân sách được đẩy nhanh trong nửa cuối năm sẽ hỗ trợ chỉ số chứng khoán Thái Lan tăng trong ngắn hạn, với mục tiêu 1.450 điểm.

Ngoài ra, ông nói Bộ Tài chính đang chuẩn bị khôi phục các quỹ đầu tư dài hạn được khấu trừ thuế (LTF). Nếu chính phủ duy trì thời gian nắm giữ ở mức 5 năm, LTF sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, thúc đẩy dòng vốn vào thị trường chứng khoán trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục