Kinh tế Thái Lan đối mặt với nguy cơ suy thoái dài hạn

14:29' - 24/03/2024
BNEWS Những trở ngại cơ cấu lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất ngày càng có tác động rõ rệt hơn đến nền kinh tế Thái Lan.

Những trở ngại cơ cấu lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất ngày càng có tác động rõ rệt hơn đến nền kinh tế Thái Lan, ảnh hưởng đáng kể tới khả năng cạnh tranh của nước này trên toàn cầu. Đây là nhận định do Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đưa ra mới đây.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn báo cáo điều chỉnh của BoT trong cuộc họp Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) tháng trước và công bố hôm 20/3 cho thấy ngành xuất khẩu của Thái Lan đã để mất khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, với thị phần xuất khẩu gạo giảm hơn 50% trong 20 năm qua. Báo cáo  cũng cho biết trong số các sản phẩm kéo giảm tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu năm ngoái, hơn 70% số đầu sản phẩm ghi nhận khả năng cạnh tranh sụt giảm đi kèm với các trở ngại cơ cấu khác.

 

Cụ thể, các mặt hàng nông nghiệp như gạo đã bị mất dần thị phần, từ 25% năm 2003 xuống còn 13% hiện nay. Hàng hóa hóa dầu đang bị ảnh hưởng do chiến lược lưu thông kép của Trung Quốc, trong khi ổ đĩa cứng đang được thay thế bằng ổ cứng thể rắn mà các nhà sản xuất Thái Lan thiếu khả năng sản xuất.

Báo cáo lưu ý rằng tăng trưởng xuất khẩu điện tử của Thái Lan chỉ đạt trung bình 4% trong thập kỷ qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines và Malaysia, với mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 37%, 14% và 10%.

Hơn nữa, sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ hàng nhập khẩu. Riêng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 5% lên 9%.

BoT cho biết hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Thái Lan sẽ chỉ tăng trưởng với tốc độ vừa phải, phù hợp với sự phục hồi chậm của nhu cầu toàn cầu và  những yếu tố từ xu hướng đi lên của chu kỳ điện tử. Tuy nhiên, những trở ngại về mặt cơ cấu, đặc biệt là khả năng cạnh tranh suy giảm trong lĩnh vực xuất khẩu, sẽ ngày càng cản trở tăng trưởng và hạn chế lợi ích lan tỏa từ sự phục hồi nhu cầu toàn cầu.

Tại cuộc họp gần đây nhất, MPC đã bỏ phiếu thông qua việc duy trì lãi suất chính sách ở mức 2,5%. Ngoài ra, MPC cũng cho rằng tỷ lệ cho vay trên giá trị (Loan to Value - LTV) hiện tại vẫn phù hợp, cho dù một số nhà phát triển bất động sản gần đây đã yêu cầu Bộ Tài chính nới lỏng tỷ lệ này. Quan điểm của MPC là tỷ lệ LTV hiện nay vẫn có lợi cho khả năng chi trả nhà ở của đại đa số công chúng, khi có tới 90% người mua không bị ràng buộc bởi các tiêu chí và có thể vay 100% giá trị tài sản.

Hiện tại, tỷ lệ LTV ở Thái Lan là 90-100% đối với những người cư trú lần đầu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore và New Zealand, lần lượt là 50-70%, 75% và 80%. Các hoạt động trên thị trường nhà đất ở Thái Lan đang tiếp tục mở rộng, với doanh số bán và chuyển nhượng bất động sản ngày càng tăng. Số liệu của MPC cho thấy nguồn cung đang phục hồi với số lượng bất động sản nhà ở mới được rao bán tăng cao hơn.

Chỉ số niềm tin kinh doanh bất động sản cũng được cải thiện, cho thấy triển vọng tăng trưởng ổn định. MPC cho rằng việc nới lỏng LTV hơn nữa có thể gây rủi ro cho ổn định tài chính vì sẽ dẫn tới việc gia tăng đầu cơ bất động sản và đẩy giá ở một số phân khúc lên cao, buộc người mua phải vay quá mức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục