Kinh tế thế giới trước nguy cơ "khủng hoảng" mới vì xung đột tại Trung Đông

06:47' - 04/11/2023
BNEWS Tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng Trung Đông là nơi tập trung 40% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, do đó nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn bộ khu vực sẽ mang lại nhiều rủi ro.

Trong khi tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục là một thách thức kéo dài đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì nguy cơ về một cuộc khủng hoảng mới đã được thổi bùng lên bởi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas vào ngày 7/10 vừa qua.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là xung đột này có thể vượt ra ngoài biên giới Israel và trở nên khu vực hóa. Nếu lan rộng, cuộc xung đột sẽ tạo điều kiện cho một cuộc suy thoái mới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu do liên tiếp phải gánh chịu các cuộc khủng hoảng kể từ đầu thập kỷ này.

* Từ đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine...

Trong vòng bốn năm, thế giới đã trải qua hai cú sốc quan trọng. Đầu tiên là đại dịch COVID-19, khiến xã hội và nền kinh tế bị đình trệ hoàn toàn, gây ra sự gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng và thương mại toàn cầu. Sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nhiên liệu và các loại thực phẩm thiết yếu như lúa mì và dầu ăn, mà còn tác động đến giá dầu mỏ và khí đốt.

Theo Chủ tịch WB Ajay Banga, trong bối cảnh các chính phủ đang cố gắng kiểm soát lạm phát - hậu quả trực tiếp của các khủng hoảng nói trên gây ra cho nền kinh tế của họ - để tránh nguy cơ suy thoái trầm trọng, thì xung đột địa chính trị mới, xảy ra trong một khu vực nhạy cảm như Trung Đông được coi là "cú sốc thứ ba" đối với các ngân hàng trung ương.

* ... đến khủng hoảng dầu mỏ và quan hệ Mỹ-Iran

Do vai trò quan trọng của Nga và Ukraine trong nền kinh tế thế giới - một bên là trụ cột trên thị trường năng lượng và một bên là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất nhì thế giới - cuộc xung đột ở Ukraine đã có ảnh hưởng lập tức lên cán cân kinh tế toàn cầu. Hiện tại, tác động của xung đột Israel-Hamas có vẻ hạn chế hơn, vì quy mô xung đột và tầm ảnh hưởng hẹp hơn. Sau khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10, giá dầu ngay lập tức tăng 5 USD. Xu hướng tăng giá tiếp tục trong khoảng gần 2 tuần tiếp theo, sau đó bắt đầu có sự biến động đảo chiều đi xuống. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột này lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông thì sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường, vì khu vực này là nơi tập trung 40% trữ lượng dầu toàn cầu.

Điều đáng lo ngại hơn nữa, đó là mối quan hệ giữa Iran và Mỹ có nguy cơ xấu đi, trong khi đang ở trong quá trình cải thiện. Từ đầu năm 2023, Iran đã trở lại vị trí là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng của thế giới. Nước này chiếm gần 4% sản lượng khai thác năng lượng toàn cầu và khách hàng chính của quốc gia Ba Tư hiện nay là Trung Quốc. Thỏa thuận không chính thức giữa Mỹ và Iran đã giúp nới lỏng một số biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran, cho phép Teheran khôi phục sản lượng sản xuất lên mức cao nhất kể từ năm 2018, khoảng 3,8 triệu thùng mỗi ngày.

Nếu cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản lượng dầu toàn cầu, dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Trong báo cáo thường niên về nền kinh tế thế giới, IMF đã nhấn mạnh rằng với mỗi 10 USD tăng của giá dầu trong dài hạn có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 0,15 điểm phần trăm. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn đang phải đối mặt với lạm phát cao, việc đảm bảo lượng dầu dự trữ trên thị trường toàn cầu là một yếu tố quan trọng, để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới.

Cuộc khủng hoảng này có thể thúc đẩy lạm phát tăng lên và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Quy mô của tác động sẽ là "không thể tưởng tượng" theo dự báo của WB. Không có chính phủ nào muốn phải đối mặt với tình hình khó khăn như vậy và chính phủ Mỹ hơn hết càng không muốn điều này, khi mà cuộc bầu cử quốc gia theo kế hoạch sẽ diễn ra trong năm tới, và việc bảo vệ sức mua của người Mỹ đã trở thành một ưu tiên quan trọng của các ứng cử viên Tổng thống.

* Nền kinh tế toàn cầu chậm phục hồi

Cơn ác mộng về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ là cú sốc thứ ba của nền kinh tế thế giới trong vòng bốn năm gần đây, mang lại một số bài học về thực trạng xã hội hiện nay. Nhưng dường như các bài học từ đại dịch COVID-19 vào năm 2020 vẫn còn chưa được rút kinh nghiệm. Các nền kinh tế vẫn tiếp tục giữ mối liên kết sâu rộng và phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, mà chưa chú trọng việc nâng cao khả năng đối phó với các thách thức. Điều đó lý giải nguyên nhân vì sau các nước khó phục hồi sau sự cố kinh tế hoặc xã hội.

Các mô hình kinh tế mới có tính bền vững và quyết tâm khử carbon vì mục tiêu khí hậu vẫn chưa được các nước ủng hộ triệt để và ứng dụng rộng rãi. Trên thực tế, các nền kinh tế hiện nay không đủ mạnh để đối phó với sự gia tăng của các xung đột địa chính trị, y tế và môi trường. Hơn nữa, khả năng dự đoán của các chính phủ không còn sắc bén, trong khi ngày càng nhiều những rủi ro nảy sinh trong bối cảnh nguy cơ không ổn định đang lan rộng trên khắp các lục địa.

Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ xã hội như một sự hỗ trợ cuối cùng để tránh khỏi tác động của tăng trưởng kinh tế thấp. Song, liệu các biện pháp này có thể tiếp tục phát huy hiệu quả được bao lâu trước tình trạng gia tăng bất bình đẳng xã hội? Quan trọng hơn, liệu chúng có khả năng đối phó với sự gia tăng của các cuộc khủng hoảng kết hợp từ nhiều nguồn gốc khác nhau?

* Định hướng chính trị khác nhau

Kể từ tháng 2/2022, có thể nhận thấy rằng nền kinh tế châu Âu đã trở thành trung tâm của sự căng thẳng toàn cầu một cách không mong muốn. Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt từ Nga, đặc biệt bằng cách chuyển hướng đến các nhà cung cấp từ Kavkaz, như Azerbaijan và Trung Đông.

Trong bối cảnh vô cùng không ổn định hiện nay, các quyết định và hành động của mỗi quốc gia hoặc tổ chức liên quan đến địa chính trị sẽ có tác động quan trọng đối với tình hình toàn cầu. Đó là sự xung đột giữa một bên là các quốc gia sản xuất dầu mỏ, ngày càng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của họ đối với người Palestine và bên kia là các quốc gia phương Tây, nơi đang đối mặt với tình hình kinh tế suy yếu và cố gắng bảo toàn nguồn cung cấp dầu của họ.

Một số nhà phân tích đang rất bi quan khi cho rằng các mối quan hệ kinh tế quốc tế đã không còn là một biện pháp để ngăn chặn, kiềm chế xung đột quân sự hoặc chiến tranh. Nhưng có lẽ chính các vấn đề thương mại và nhu cầu ổn định được chia sẻ rộng rãi ở phương Tây cũng như Trung Đông và châu Á có thể sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục