Kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai

06:30' - 14/06/2022
BNEWS Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở nên ngày càng “ảm đạm” và có thể phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai".

Mới đây, tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Thụy Sỹ, các nhân vật quyền lực thuộc chính giới và giới kinh doanh toàn cầu đã tập trung tại Davos để cùng thảo luận về các vấn đề toàn cầu hiện nay và tìm giải pháp đối phó với những thách thức cấp bách, nghiêm trọng. 

Tại cuộc họp, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng thời gian gần đây, triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở nên ngày càng “ảm đạm” và có thể phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai". 

Do đó, việc làm thế nào để giúp kinh tế toàn cầu tránh rơi vào suy thoái đã trở thành mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới.

* Kinh tế toàn cầu đang khó khăn

Theo một bài viết gần đây của tờ Báo Quốc gia của Tây Ban Nha, cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Davos diễn ra với tâm trạng đầy lo lắng, tạo ấn tượng sâu sắc đối với mọi người. 

Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Một “cơn bão lớn” đang hình thành, tất cả các vấn đề đang dồn lại bao gồm căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao, khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái. Tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos lần này, giới tinh hoa doanh nhân thậm chí còn đặt ra câu hỏi ''liệu hệ thống kinh tế thế giới có thể tiếp tục chống đỡ được không?''.

Lạm phát mang tính toàn cầu đã trở thành vấn đề nổi cộm đối với kinh tế thế giới hiện nay. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố vào tháng Tư năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,1% vào năm 2021 xuống còn 3,6% vào các năm 2022 và 2023. 

Ước tính tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 và 2023 sẽ được điều chỉnh giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2022. Vào năm 2022, lạm phát được dự báo là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn lần lượt 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Theo khảo sát về Triển vọng kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong 6 tháng vừa qua, tất cả những người được hỏi đều tỏ ra bi quan hơn. Họ dự kiến năm 2022 hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ yếu đi, lạm phát cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực sẽ gia tăng, trong đó lạm phát cao nhất sẽ là Mỹ, tiếp theo là châu Âu và châu Mỹ Latinh. 

Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, lạm phát của Mỹ bắt đầu tăng tốc khoảng một năm trước và mức tăng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã cao hơn 6 % trong bảy tháng liên tiếp. Tháng Ba năm nay, chỉ số CPI tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đạt đỉnh trong hơn 40 năm, chỉ số CPI tháng Tư tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn ở mức cao. Tạp chí Phố Wall đã báo cáo lạm phát của Mỹ có thể đã đạt đến đỉnh điểm "nhưng sẽ chưa thể được kiềm chế".

Số liệu thống kê mới nhất từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy trong tháng Năm, tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đạt 8,1%, là mức cao kỷ lục trong tháng thứ bảy liên tiếp và cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. 

Lạm phát cơ bản, bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động ở mức 3,8%, vượt qua dự tính của thị trường. Trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu, tỷ lệ lạm phát trong tháng Năm của Đức là 8,7%, của Pháp là 5,8%, của Italy là 7,3% và của Tây Ban Nha là 8,5%, tất cả đều ở mức cao. Các nước ở khu vực Baltic cũng như Hà Lan, Slovakia và Hy Lạp đều có lạm phát ở mức hai con số.

* Các vấn đề về cấu trúc dài hạn đã xuất hiện

Trang web Thời báo tiền tệ của Anh gần đây đã đăng bài viết cho rằng hiện tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đang biến sự thịnh vượng của nước này thành một cuộc suy thoái. Các gia đình ở châu Âu đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong khi triển vọng tăng trưởng của châu Á đã bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến chủng mới Omicron.

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở nhiều nước nghèo đang phát triển, nơi có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực và thậm chí là nạn đói. 4 vấn đề khác biệt nhưng ấn tượng này đang gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Giám đốc Sở nghiên cứu các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Vương Nghĩa Ngôi trong một cuộc phỏng vấn báo chí cho biết kinh tế thế giới hiện đang đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất, mô hình toàn cầu hóa có sự điều chỉnh về cơ cấu, từ toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới trước đây chuyển sang toàn cầu hóa theo hướng cục bộ và khu vực hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu chú trọng nhiều hơn đến an ninh, tự chủ, khả năng kiểm soát và khả năng phục hồi. 

Thứ hai, sự phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu chưa hình thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà việc ứng dụng công nghệ đang đứng trước thách thức về điều chỉnh chuỗi cung ứng, xu hướng cạnh tranh khu vực hóa, tập đoàn hóa và ưu việt hóa càng rõ nét. 

Thứ ba, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giá năng lượng tăng cao đã làm trầm trọng thêm lạm phát, tác động đến toàn bộ hệ thống kinh tế quốc tế thông qua chuỗi công nghiệp, chẳng hạn như kinh tế, thương mại, đầu tư..., gây ra các vấn đề xã hội và dân sinh và ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước.

Xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt ngày càng leo thang của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào Nga đã gây tác động lan tỏa toàn cầu. Mỹ khơi mào khi ngày 8/3 đã tuyên bố họ sẽ ngừng nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than từ Nga. Sau đó, Liên minh châu Âu ngày 8/4 cũng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga. 

Ngày 31/5, lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí về vòng trừng phạt thứ 6 đối với Nga, theo đó sẽ lập tức cấm nhập khẩu 75% lượng dầu của nước này. Báo cáo tháng Tư của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng giá năng lượng đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2022, với đà tăng giá năng lượng có thể tiếp tục cho đến cuối năm 2024. Ủy ban châu Âu dự đoán kinh tế châu Âu sẽ rơi vào tình trạng đình trệ toàn diện nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn nghiêm trọng.

“Lạm phát là áp lực chủ yếu nhất mà các nước phát triển như Mỹ và châu Âu phải đối mặt”. Nghiên cứu viên hàng đầu Trương Mạc Nam, thuộc Sở nghiên cứu Mỹ và châu Âu Viện của Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn báo chí đã phân tích rằng lạm phát đã không còn là vấn đề thuộc về tiền tệ, mà là vấn đề mang tính kết cấu mà nền kinh tế các nước phương Tây đang đối mặt. 

Những lý do đằng sau vấn đề này tương đối phức tạp. Thứ nhất, trong thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia ở Mỹ và châu Âu đã đưa ra các chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn và các kế hoạch kích thích tài khóa. 

Thứ hai, các nước phương Tây do Mỹ làm đứng đầu đã thúc đẩy quá trình "tách rời" và "phá vỡ liên kết", ra tay cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có. Điều này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn của chuỗi cung ứng nội địa ở Mỹ và làm tăng đáng kể chi phí sản xuất và cung ứng. 

Thứ ba là các vấn đề “khó tuyển dụng nhân công”, “chi phí sử dụng việc làm đắt đỏ” ở Mỹ ngày càng gia tăng, tình trạng thất thoát nguồn lao động trong nhiều ngành ngày càng nghiêm trọng và chi phí lao động nói chung tăng cao, dẫn đến lạm phát do tiền lương. Thứ tư, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đối với Nga đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa lên cao hơn nữa, gây áp lực lạm phát mới.

"Hiện tại, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu là biểu hiện tập trung của những rủi ro khó lường trong ngắn hạn và các vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn trong kinh tế toàn cầu". 

Nghiên cứu viên Trương Mạc Nam phân tích rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn có nguồn gốc xung đột địa chính trị và các lệnh trừng phạt liên quan, tác động tiêu cực đến tài chính, kinh tế và thương mại, lương thực, năng lượng và các lĩnh vực khác của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các vấn đề cấu trúc dài hạn thể hiện ở sự gián đoạn đối với chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có, dẫn đến các vấn đề khác nhau trong sản xuất, thương mại, đầu tư và xuất khẩu của các quốc gia khác nhau, gây ra những tác động toàn diện, mang tính hệ thống và cấu trúc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, các nước đang phát triển cũng phải chịu rủi ro bất ổn lớn hơn trong bối cảnh nền kinh tế bị chấn động. Theo báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới mới nhất của Liên hợp quốc, triển vọng tăng trưởng đang suy yếu do giá năng lượng và lương thực tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển phải nhập khẩu lượng lớn hàng hóa. Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng đã làm trầm trọng thêm triển vọng này, đặc biệt là ở châu Phi.

* Trách nhiệm thuộc về ai?

"Làm thế nào để kinh tế toàn cầu trở lại đúng quỹ đạo phục hồi? Chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở sự lựa chọn của các nước lớn. Phục hồi kinh tế toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước lớn để tạo ra một môi trường quốc tế lành mạnh cho hòa bình và ổn định, hơn là một chính sách, môi trường, thể chế làm suy yếu hợp tác quốc tế", nghiên cứu viên Trương Mạc Nam cho biết.

Chuyên gia này cho rằng trong những năm gần đây, Mỹ đã dựa trên ý thức hệ, chính trị hóa và dựa trên liên minh và biện pháp trừng phạt kinh tế để tách rời, phong tỏa và cắt đứt chuỗi công nghiệp toàn cầu, từ đó kiềm hãm sự phát triển của các nước khác. 

Báo chí Mỹ trích dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết nếu thuế quan áp lên các sản phẩm Trung Quốc được dỡ bỏ, thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm và sẽ giảm trên 1 điểm phần trăm trong một năm sau đó.

Nghiên cứu viên Vương Mạc Nam bày tỏ, trong những năm gần đây, Mỹ đã theo đuổi "tái công nghiệp hóa" và thúc đẩy chính sách "nước Mỹ trên hết", để thu hút trở lại nguồn vốn, ngành công nghiệp và cơ hội việc làm của nước này, nhưng kết quả không khả quan. 

Từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ đã sử dụng quyền bá chủ về tài chính của mình để áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga, nhưng các vấn đề then chốt như ngành công nghiệp bị bào mòn hóa mà kinh tế trong nước của Mỹ đang đối mặt lại không những không được cải thiện, ngược lại còn dẫn đến tình trạng lạm phát nghiêm trọng về kinh tế và chủ nghĩa dân túy về chính trị. 

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã có nhiều tiếng nói kêu gọi đoàn kết và hợp tác toàn cầu để cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng trước hết cần phải duy trì thị trường mở. Thứ hai, việc giải quyết một vấn đề không thể đi kèm với việc tạo ra một vấn đề khác. Thứ ba, từ bỏ toàn cầu hóa là một quá trình sai lầm, thế giới cần tiếp tục đoàn kết và hợp tác.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và các nền kinh tế phát triển phương Tây cần nghiêm túc nhìn nhận lại và gánh vác trách nhiệm nước lớn để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng khó khăn và quay trở lại quỹ đạo chủ nghĩa đa phương đúng đắn, thể hiện thái độ hợp tác cần có. 

Như báo cáo của "Triển vọng kinh tế quốc tế" kiến nghị, các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ngăn chặn sự phân hóa kinh tế hơn nữa, duy trì tính thanh khoản toàn cầu, quản lý khủng hoảng nợ, giải quyết biến đổi khí hậu và chấm dứt đại dịch COVID-19 vẫn là những công việc quan trọng phải làm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục