Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Động lực chiến lược cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới

19:02' - 31/03/2025
BNEWS Trên bước đà chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân một lần nữa được Đảng, Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng bứt phá và phát triển.

Đóng góp lớn trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng với các chính sách chung và chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, trên bước đà chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân một lần nữa được Đảng, Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng bứt phá và phát triển, đưa kinh tế đất nước vững mạnh bước vào kỷ nguyên mới. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm bài "Kinh tế tư nhân: Kỳ vọng bứt phá và phát triển"; trong đó tập trung phân tích những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân, tạo đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Bài 1: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Động lực chiến lược cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tư nhân cũng như truyền tải những thông điệp từ bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về vấn đề này.

Phóng viên: Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng mà còn cần được tạo điều kiện để tham gia vào các lĩnh vực chiến lược. Xin Đồng chí chia sẻ về sự thay đổi trong nhận thức và chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân ở giai đoạn hiện nay?

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Trước hết, tôi cho rằng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định "kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng mà còn cần được tạo điều kiện để tham gia vào các lĩnh vực chiến lược" không chỉ thể hiện quan điểm mang tính chiến lược về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam, mà còn là định hướng và đặt ra yêu cầu quan trọng về cách thức tạo đột phá trong phát triển của kinh tế tư nhân nước ta trong thời gian tới.

Trên thực tế, tư duy lý luận về vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta ngày càng sâu sắc và gắn liền với quá trình đổi mới, phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện một cách rõ nét và có hệ thống qua các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là từ Đại hội XI tới nay, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong thực tiễn những năm qua còn nhiều hạn chế. Khu vực kinh tế tư nhân, trong nhiều trường hợp, còn gặp phải không ít rào cản và chưa thực sự nhận được sự đối xử công bằng trong tiếp cận các nguồn lực (đặc biệt là về tín dụng, đất đai, tài nguyên...) cũng như trong tiếp cận các cơ hội để tham gia vào các dự án lớn, các lĩnh vực chiến lược của đất nước.

Do vậy, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra như nêu trên không chỉ đặt ra yêu cầu về việc cần phải đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức mà còn là yêu cầu phải hành động thực chất, đề ra được các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo được chuyển biến thực chất, hữu hiệu trong thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân nước ta trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước để các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Theo Đồng chí, để tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực then chốt thì cần có giải pháp gì từ phía Nhà nước?

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thực chất và khả thi. Nhưng một trong những điểm quan trọng nhất là phải tạo được môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân.

Trong đó, các quy định về đấu thầu, về điều kiện tham gia các dự án lớn, các dự án trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, cần được đổi mới, hoàn thiện trên tinh thần cởi mở, bình đẳng, cho phép sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng tham gia hiệu quả vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước thông qua các cơ chế, chính sách như: hình thành các kênh dẫn vốn trung và dài hạn phục vụ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngắn hạn từ ngân hàng; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch; tiếp tục đổi mới cơ chế hợp tác công tư, áp dụng cơ chế vốn đối ứng với doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư vào các dự án trọng điểm chiến lược như công nghệ cao, R&D, hạ tầng chiến lược như trung tâm dữ liệu, pin năng lượng, cảng thông minh...

Như chúng ta cũng đã nhận thấy, trong thời gian gần đây, với những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo ra những chuyển biến quan trọng và rõ nét, thể hiện ở sự sẵn sàng tham gia của một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân vào một số dự án trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số...

Cùng với đó, việc tạo thuận lợi cho quá trình kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau và với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI cần phải được nhấn mạnh thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành.

Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động sâu sắc, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đối diện với bài toán tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Đồng chí, khối doanh nghiệp này cần chủ động triển khai các giải pháp gì để trụ được và phát triển trong giai đoạn này, đồng thời vươn mình phát triển theo hướng bền vững hơn?

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Yêu cầu phải tự đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với những biến đổi của thị trường luôn là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang ngày càng cho thấy những biến động nhanh chóng, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư..., thì yêu cầu này càng trở nên thiết yếu hơn.

Nhìn lại khu vực kinh tế tư nhân nước ta, bên cạnh một số ít doanh nghiệp có qui mô lớn và tiềm lực tương đối mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, thì phần lớn đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực hạn chế, thiếu sự kết nối, chậm đổi mới công nghệ, ít chú trọng tới đổi mới mô hình kinh doanh..., khiến cho sức cạnh tranh chưa cao.

Để giải quyết được những hạn chế nêu trên, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước thì cũng cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ tự đổi mới, vượt qua khó khăn thách thức, vượt qua chính mình từ phía các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong đó, không có cách nào khác là cần tập trung vào củng cố, thúc đẩy các yếu tố cốt lõi cho sự đổi mới và phát triển bền vững của doanh nghiệp, đó là: Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo phương thức và tiêu chuẩn hiện đại; đào tạo và đào tạo lại để củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tập trung xây dựng và củng cố thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vốn có truyền thống sáng tạo, bản lĩnh, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và không ngừng phát triển, trưởng thành. Tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp tư nhân nước ta sẽ nắm bắt vận hội mới, là lực lượng đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

Phóng viên: Sắp tới Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Với vai trò của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội, xin Đồng chí cho biết, cần có giải pháp gì để đưa Nghị quyết về kinh tế tư nhân sắp được xem xét, ban hành sớm đi vào cuộc sống?

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang: Tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng trong thời gian qua vẫn được đánh giá là một khâu yếu. Do vậy, đây là vấn đề cần được tập trung xử lý một cách căn bản và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về nguyên tắc, để giải quyết được tình trạng này, trước hết cần phải thực hiện tốt khâu cụ thể hóa và thể chế hóa các nội dung của nghị quyết. Đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, tránh tình trạng rời rạc, thiếu gắn kết, thậm chí là mang tính hình thức. Cùng với đó là cần xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ kết quả cần đạt được; đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và áp dụng các chế tài khen thưởng, xử lý rõ ràng.

Quá trình chúng ta đã và đang khẩn trương tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương, sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần giải quyết tốt được vấn đề này trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Xem thêm:

>>Bài 2: Vững mạnh cùng kinh tế đất nước

>>Bài 3: Dấu ấn trong kiến thiết hạ tầng

>>Bài cuối: Những tiếng nói kỳ vọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục