Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA

11:00' - 05/06/2024
BNEWS Việc khai thác hiệu quả các FTA để giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành 1 trong số 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Việc khai thác hiệu quả các FTA để giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu là những nội dung tiếp tục được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn đầu giờ sáng ngày 5/6 dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới để khai thác được các FTA là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao việc tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp và cập nhật thông tin để có phản ứng phù hợp; hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng tiếp cận thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật; cảnh báo và bảo quản, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ phòng vệ thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Việc đẩy mạnh đàm phán hiệp định thương mại tự do, thu hút chủ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu là bước đi cần thiết. Bởi nếu không như vậy thì chúng ta không thể có vốn đầu tư lớn, không thể có công nghệ tiên tiến, không thể có kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu kéo dài chủ trương này thì sẽ trở thành nền kinh tế gia công, sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần phải nâng cao năng lực hội nhập kinh tế đất nước thông qua việc nâng cao hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phải tiếp tục mở cửa nền kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc và ký kết mới cũng như nâng cấp, cải thiện các FTA đã có tại những thị trường tiềm năng.

Về định hướng tham gia các FTA mới, Bộ trường Nguyễn Hồng Diên nêu một số giải pháp. Trước tiên là phải quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu nhưng phải giữ vững định hướng chính trị; phải gắn kết giữa đàm phán, ký kết hiệp định với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao cạnh tranh quốc gia, năng lực của doanh nghiệp sản xuất; ưu tiên đối tác tiềm năng mang lại lợi ích to lớn, thiết thực để đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA hiện hành khi có điều kiện.... Cùng đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đàm phán và ký kết các hiệp định; đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động gây ra với nền kinh tế.

Hiện có 4 tiêu chí để lựa chọn đàm phán các hiệp định mới. Yếu tố đầu tiên là dựa vào quy mô, tiềm năng thị trường và ưu tiên đối tác có tiềm năng tăng trưởng cao và có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế. Mức độ cam kết mở cửa thị trường phải lưu ý các cam kết có độ mở lớn như giảm thuế quan, giảm hàng rào phi thuế quan hàng hóa đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam…

Yếu tố tiếp theo là khả năng hợp tác và hỗ trợ phát triển trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và đầu tư vốn… Cùng đó, phải dựa vào nguyên tắc quan trọng chiến lược của đối tác trong khu vực và thế giới, cả về chính trị và kinh tế…

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng nâng cao vai trò của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện đang có 58 thương vụ tại 59 quốc gia…, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương vụ tham vấn chính sách phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, kết nối đầu tư; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài khi vướng vào các vụ kiện.

Các thương vụ đều được giao chỉ tiêu về tăng trưởng kim ngạch hai chiều hàng năm, lấy đó là tiêu chí đánh giá chuyên ngành; yêu cầu tham gia giao ban định kỳ hàng tháng cùng với các hiệp hội, ngành hàng trong nước để kịp thời tư vấn về ngành hàng, tư vấn kỹ thuật để khai thác, khai mở thị trường. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng quan tâm lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực để thực thi nhiệm vụ này.

Ngành công thương tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA và Việt Nam là thành viên. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng.

Vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được phát huy trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại, giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước có những phản ứng, chính sách phù hợp.

Việc khai thác hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục