Lãi suất cơ bản ở châu Âu giảm và tác động với người tiêu dùng

06:30' - 09/06/2024
BNEWS Lần đầu tiên sau hơn 8 năm, ngày 6/6/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất cơ bản từ 4,5% xuống 4,25%. Điều này có nghĩa như thế nào? Xu hướng lãi suất tiếp tục sẽ ra sao?

Báo Der Spiegel (Tấm gương) vừa có bài phân tích vấn đề này. Lần cuối ECB cắt giảm lãi suất cơ bản là dưới thời Chủ tịch Mario Draghi và khi đó tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) là 0%. Trở lại thời điểm này vào tháng 3/2016, lúc đó ECB vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng đồng euro nên đã đẩy lãi suất xuống 0%. 

Quyết định cắt giảm lãi suất lần này được đưa ra trong bối cảnh hoàn toàn khác trước.

* Cắt giảm lãi suất cơ bản lúc này có đúng không?

Đúng, bởi lạm phát đã giảm đáng kể. Tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone tăng lên mức kỷ lục 10,7%. Đến nay, lạm phát chỉ còn 2,6%. Do đó, ECB gần như đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất của mình - ổn định lạm phát - vốn được đặt ra ở mức 2%.

Đối với ECB, lạm phát cơ bản quan trọng hơn lạm phát tổng thể. Nó được tính toán không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động mà theo ngân hàng trung ương này, dễ làm sai lệch bức tranh tổng thể. Hiện lạm phát cơ bản là 2,9% vào tháng 5/2024, cũng gần mức mong muốn.

* Liệu lãi suất có tiếp tục giảm?

Điều đó không chắc chắn! Cho đến vài tuần trước, người ta cho rằng sau lần cắt giảm này thì lãi suất sẽ tiếp tục được hạ thấp vài lần nữa, nhưng giờ thì có thể lại khác.

Một mặt, lạm phát giảm là dấu hiệu cho thấy lãi suất cần giảm theo. Người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại quỹ Union Investment Christian Kopf cho biết: “Nếu ECB giữ nguyên lãi suất cơ bản trong môi trường lạm phát giảm trong trung hạn sẽ dẫn đến lãi suất thực cao hơn và do đó thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính. Một ngân hàng trung ương thụ động khi lạm phát giảm thì thực sự sẽ gây hoạ – và ở châu Âu ít có lý do xảy ra điều này”.

Nhưng mặt khác, lạm phát vẫn chưa ở mức 2% mà ECB đặt ra trong trung hạn và gần đây có những tác động khiến lạm phát tăng nhẹ trở lại. Trong tháng Năm, lạm phát lõi tăng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2023, do việc tăng thuế VAT đối với giá khí đốt và hệ thống sưởi cũng như tăng lương 4,7% trong quý đầu tiên của năm 2024.

Ngoài ra, giá các nguyên liệu thô quan trọng gần đây tăng đáng kể: Các kim loại công nghiệp như nickel và nhôm đều đắt hơn, cũng như lúa mỳ, cà phê và ca cao. Giá vàng và bạc cũng tăng vọt.

Vẫn chưa rõ là mọi thứ sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Liên quan đến diễn biến tiền lương, ECB phải chờ xem liệu tiền lương và giá cả có đẩy nhau tăng lên hay không – hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng vòng hai“. Thực tế là tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đang ở mức thấp kỷ lục 6,4% và có hàng triệu việc làm còn trống, cho thấy tiền lương đang tiếp tục tăng, và giá cả sẽ tăng theo là hợp lý.

Khi nói đến nguyên liệu thô, người ta đặt ra câu hỏi liệu chi phí vận tải đường biển, vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Biển Đỏ, có tăng hay không - chưa kể đến hậu quả của các xung đột khác trên thế giới. Nhìn chung, ECB phụ thuộc nhiều hơn vào địa chính trị so với trước đây.

Ông Konstantin Veit, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Pimco, tóm tắt mức độ khó khăn của tình hình hiện nay: "Chúng tôi cho rằng khó có khả năng ECB sẽ cam kết thực hiện một lộ trình lãi suất cụ thể", mà thay vào đó ECB sẽ đưa ra quyết định tại từng cuộc họp dựa trên dữ liệu của những tháng sắp tới. “Có thể dự đoán sẽ có hai hoặc ba đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay nhưng vẫn thấy rõ sự không chắc chắn“, ông nói.

Ông Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank, thậm chí còn tin rằng việc cắt giảm lãi suất có thể trở thành một sai lầm, bởi vì giá tiêu dùng đang tăng trở lại, mức lương chung tăng nhanh và các chỉ số kinh tế hàng đầu đang được cải thiện. “Điều này làm tăng nguy cơ các công ty sẽ sớm có thêm quyền định giá cao hơn“.

* Biến động lãi suất có ý nghĩa gì đối với người tiêu dùng?

Ít nhất thì từ ngày 6/6 trở đi, việc mua sắm trong siêu thị cũng không rẻ hơn. Thứ nhất, giá tiếp tục tăng, chỉ là không nhiều. Thứ hai, nhiều nhà sản xuất tận dụng sức mạnh thị trường của mình và ấn định mức giá cao. Họ đã làm điều này trong những năm gần đây và có lẽ sẽ không tăng mạnh giá cả thêm nữa.

Giá cả sẽ không giảm, ngoại trừ các chương trình khuyến mãi riêng lẻ của các công ty. So sánh với năm 2019, năm cuối trước đại dịch, có thể thấy giá tiêu dùng của Đức đã tăng mạnh như thế nào. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng - thước đo sự phát triển giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ mà các hộ gia đình ở Đức sử dụng - lúc đó là 99,5 thì hiện tại là 119, tăng lương thực tế không thể theo kịp.

* Lãi suất trong xây dựng hiện đang thấp hơn?

Ít nhất thì lãi suất trong lĩnh vực xây dựng có thể sẽ không tăng. Từ đầu năm 2022, gần như song song với cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc đầu tư cho bất động sản đã trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Mặc dù vay bất động sản trước đây có lãi suất trên dưới 1%, tùy thuộc vào thời hạn, nhưng đến tháng 10/2023, lãi suất đã tăng lên 4% hoặc cao hơn. Kể từ đó, tình hình đã dịu đi phần nào và từ tháng 11/2023, lãi suất giảm đáng kể xuống còn 3 đến 3,5%.

* Các ngân hàng sẽ kinh doanh ra sao?

Tăng lãi suất chắc chắn không phải là điềm lành cho các nhà đầu tư tiền tệ qua đêm. Sự gia tăng của lãi suất qua đêm đã đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và giảm dần kể từ đó. Các chuyên gia tại Barkow Consulting viết: “Lãi suất tiền gửi cố định dài hạn giảm 0,65 điểm phần trăm trong ba tháng đầu năm. Và với mức lãi suất 2,53%, thật không may, các ngân hàng Đức lại nằm ở nhóm cuối cùng của khu vực đồng euro“.

Tình hình này sẽ có rất ít thay đổi nếu ECB giảm lãi suất. Đặc biệt là vì, nếu lãi suất đi xuống, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiền gửi sớm hơn lãi suất cho vay - cũng như họ tăng lãi suất tiền gửi muộn hơn lãi suất cho vay khi lãi suất cơ bản tăng. Các ngân hàng về cơ bản tồn tại nhờ hai thứ: Thu nhập lãi ròng và thu nhập hoa hồng ròng, có được từ việc bán các sản phẩm tài chính.

Trong những việc này thì kiếm tiền dựa trên chênh lệch giữa lãi suất tín dụng và lãi vay là dễ dàng nhất. Không có gì minh họa điều này tốt hơn câu nói châm biếm cũ về “quy tắc 3-6-3”: Trả lãi tín dụng 3%, cho vay với lãi suất 6% và đi chơi gôn từ 3 giờ chiều.

Các chủ ngân hàng ngày nay trợn tròn mắt khi đối mặt với “quy tắc 3-6-3”: Suy cho cùng, họ biết rằng cuộc sống, không chỉ trong ngân hàng, đã từng dễ chịu hơn nhiều và họ từng ít bị kiểm soát hơn. Nhưng thực tế hầu như không thay đổi là tất cả họ đều vẫn muốn khai thác chênh lệch lãi suất mặc dù không bao giờ muốn thừa nhận.

* Có nên mua cổ phiếu lúc này?

Triển vọng có vẻ tốt cho các cổ đông. Nền kinh tế ở châu Âu đang phục hồi và nếu lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu và cho vay. Chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế vì lãi suất cơ bản cao hơn lạm phát, nhưng mọi thứ đang dần đi đúng hướng.

Giá cả trên thị trường chứng khoán đã có tính đến cắt giảm lãi suất vì lạm phát đã suy yếu trong nhiều tháng. Do đó, phạm vi tăng giá bao nhiêu phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình phát triển kinh tế tổng thể, hiện đang tốt lên.

“Thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng cao hơn, trước kỳ vọng về cắt giảm lãi suất, vì lãi suất thấp hơn khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với đầu tư thu nhập cố định“, người đứng đầu nền tảng đa tài sản Mintos là Martins Sulte cho biết, “chúng tôi đã quan sát thấy điều này trong vài tuần qua“. 

Nhà quản lý danh mục đầu tư vốn cổ phần toàn cầu Louise Dudley tại Federated Hermes, tin rằng: "Trong khi động lực ở Mỹ đang thúc đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn thì chứng khoán châu Âu lại bắt đầu có vẻ rẻ, đặc biệt là về tỷ suất cổ tức".

* Quyết định lãi suất có ý nghĩa gì đối với đồng euro?

Tỷ giá hối đoái của đồng euro sẽ giảm. Ít nhất là trên lý thuyết, vì đầu tư bằng đồng euro ít sinh lời hơn trong khi ngược lại, các loại tiền tệ khác, đặc biệt là đồng USD, đang trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ở đây cũng có một mối nguy hiểm mà ECB luôn lưu ý: Nếu đồng euro trở nên rẻ hơn, nó sẽ thúc đẩy xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ và châu Á vì giá hàng hoá sẽ rẻ hơn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó lại làm cho hàng nhập khẩu vào châu Âu trở nên đắt hơn vì người tiêu dùng và các công ty phải chi thêm euro để mua được số lượng hàng như trước. Điều này làm tăng nguy cơ châu Âu sẽ nhập khẩu lạm phát. Nếu điều này xảy ra, việc cắt giảm lãi suất hiện tại có thể dẫn đến tăng lãi suất sau này.

* Châu Âu có gì khác với Mỹ?

Tình hình về cơ bản là khác: Nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ, trong khi kinh tế châu Âu chỉ đang phục hồi nhẹ. Với các chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD, Tổng thống Joe Biden đã bơm những nguồn lực khổng lồ vào nền kinh tế; lạm phát ở đó cao hơn và có vẻ dai dẳng hơn ở châu Âu. Mặt khác, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào giá nguyên liệu thô vì lục địa này phải nhập khẩu năng lượng đắt tiền trong khi Mỹ phần lớn có khả năng tự cung tự cấp.

Tại Mỹ, hiện tại vẫn không chắc chắn liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed - ngân hàng trung ương) có hạ lãi suất cơ bản trong năm nay hay không. Câu hỏi liệu Fed có hạ lãi suất hay không cũng rất quan trọng đối với cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này vào tháng 11 tới.

Ngoài ra, còn có cuộc tranh luận về tính độc lập của ngân hàng trung ương do cựu Tổng thống Donald Trump khơi mào. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa này muốn buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích nền kinh tế và được ca tụng vì giá cổ phiếu tăng vọt, mặc dù thực tế là điều này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn nữa, khiến các nhóm thu nhập thấp hơn đặc biệt bị ảnh hưởng.

* Lạm phát sẽ ra sao trong dài hạn?

Đây là câu hỏi quan trọng! Cho đến nay, ECB và Fed đang nhắm tới mục tiêu 2% trong trung hạn và sẵn sàng chấp nhận các mức cao hơn hoặc thấp hơn chút ít. Nhưng có những bình luận nghiêm túc cho rằng do những thay đổi kiến tạo - nhân khẩu học, phi toàn cầu hóa, chi phí của biến đổi khí hậu – nên không thể mãi duy trì mục tiêu này mà phải nâng mục tiêu lạm phát lên cao hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc tranh luận này chỉ diễn ra trong giới học thuật nhiều hơn là trong công chúng nói chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục