Lập công ty "ma" để làm thủ tục nhập khẩu

12:11' - 01/12/2018
BNEWS Một số đối tượng lợi dụng thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng để thành lập các công ty “ma” hoặc mua lại các công ty đã thành lập trước đây để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng.
 Nhiều loại hàng hóa vận chuyển lậu bị Biên phòng Quảng Trị thu giữ. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.

Thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu, rượu ngoại, đường cát, gỗ… có dấu hiệu hoạt động mạnh, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá điếu. Hiện tỷ lệ thuốc lá lậu chiếm gần 20% thị phần thuốc lá nội địa.

Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), qua theo dõi những năm gần đây tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới cho thấy, lúc nào cũng diễn biến phức tạp có thể tăng giảm trong từng giai đoạn chứ chưa bao giờ chấm dứt.

Buôn lậu thuốc lá diễn ra trên các tuyến biên giới từ đường bộ, trên biển và đường hàng không từ thô sơ tới tinh vi, đường hàng không nổi lên là xì gà.

Ông Nguyễn Khánh Quang cho biết, thống kê từ năm 2014 đến nay, cơ quan hải quan đã phát hiện và xử lý 1.033 vụ với 153 đối tượng buôn lậu thuốc lá; trong đó, xử lý hành chính 870 vụ, thu giữ gần 3 triệu bao. Hơn nữa, cơ quan hải quan còn phát hiện buôn lậu thuốc lá đi qua cửa khẩu hợp pháp bằng thủ đoạn rất tinh vi, qua hình thức tạm nhập tái xuất.

Tại một số cửa khẩu, để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng hải quan, các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá, thuê cửu vạn mang vác hàng qua biên giới vào những giờ cao điểm.

Sau đó dùng xe máy vận chuyển hàng lậu vào các khu vực chợ, bến xe, giấu giếm trong các xe container, xe tải, xe khách được gia cố hầm vách để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu cũng thường lợi dụng đường mòn lối mở để vận chuyển hàng trái phép...

Là một tỉnh tiếp giáp với Campuchia, An Giang có nhiều cửa khẩu biên giới kết nối với nước bạn bằng đường bộ và đường sông. Ngoài ra, còn có nhiều đường mòn và kênh rạch liên thông qua lại giúp cư dân hai nước trao đổi buôn bán dễ dàng. Nhưng cũng dẫn đến tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng, khó kiểm soát.

Các mặt hàng trọng điểm buôn lậu của tỉnh là thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan, quần áo cũ, vải khúc, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu bia, phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử và điện lạnh (đã qua sử dụng), vàng miếng, gỗ xẻ phách, sản phẩm làm từ gỗ…

Ông Phan Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên cho biết, để vận chuyển hàng lậu các đối tượng dùng xe gắn máy xoáy nòng hoặc thuê người đai vác hàng hóa nhập lậu qua 2 cánh gà cửa khẩu. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu ngoại, do nhu cầu tiêu thụ nội địa và mặt hàng này dễ cất giấu, được vận chuyển chủ yếu bằng xe gắn máy, mỗi xe chở khoảng dưới 1.500 gói để tránh các chế tài của pháp luật.

Theo ông Phan Văn Tâm, các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, hàng hóa nhập lậu không để một chỗ tại nhà mà vận chuyển ngay vào nội địa để tẩu tán nhằm tránh các lực lượng chống buôn lậu tại địa phương kiểm tra, khám xét.

Vừa có biên giới đường sông và đường bộ, nạn buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) trong năm 2018 giảm so với năm trước. Buôn lậu trên địa bàn diễn ra chủ yếu vận chuyển nhỏ, lẻ qua biên giới, lợi dụng đường mòn, nước nổi tràn đồng, ban đêm.

Ông Trang Thế Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương cho biết, tình hình buôn lậu giảm do Chi cục thường xuyên duy trì phối hợp giữa các lực lượng có liên quan như biên phòng, công an xã tại địa phương và Hải quan Kaomsano của nước bạn Campuchia.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, Cục Hải quan An Giang chia sẻ, Chi cục thường xuyên áp dụng quản lý rủi ro trong công tác nghiệp vụ chuyên môn để loại trừ các doanh nghiệp có hàng hoá xuất nhập khẩu lợi dụng chính sách mặt hàng để gian lận thương mại.

Không chỉ phức tạp trên tuyến biên giới đường bộ, tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi pham bị phát hiện là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, số vụ việc phát hiện, bắt giữ thời gian qua chưa tương xứng với thực tế; buôn lậu gian lận thương mại vẫn diễn ra “nóng bỏng", phức tạp trên các tuyến từ cửa khẩu đường bộ, đường biển đến các cảng hàng không, bưu điện quốc tế. Đáng cảnh báo là tình trạng nhập phế liệu về Việt Nam đang là vấn đề nóng và nan giải đối với các cơ quan quản lý.

Cơ quan hải quan gần đây đã phát hiện nhiều vụ việc phạm pháp về nhập khẩu, phế liệu, cất giấu hàng cấm, hàng có giá trị, thuế suất cao, xen lẫn trong các lô hàng phế liệu. Nổi bật là vụ giấu 119 kg cocain (trị giá khoảng 800 tỷ đồng) trong container hàng sắt phế liệu nhập khẩu qua cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tuy đã có những kết quả tích cực trong phòng, chống buôn lậu, nhưng trong quá trình thực hiện, ngành hải quan đã vấp phải không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”của cơ quan hải quan còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến điều tra, xử lý của ngành hải quan.

Bên cạnh đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng, một số đối tượng lợi dụng để thành lập các công ty “ma” hoặc mua lại các công ty đã thành lập trước đây để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng. Do vậy việc điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, một trong những khó khăn lớn của ngành hải quan hiện nay là lực lượng làm công tác đấu tranh chống buôn lậu còn mỏng, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, chủ yếu hoạt động tuần tra công khai; trình độ nghiệp vụ về kiểm soát chống buôn lậu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Nguyễn Hùng Anh cho rằng cần tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết,... của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống tội phạm.

Đồng thời, triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao...

Ngoài ra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, xuất nhập cảnh nhiều lần với mục đích không rõ ràng nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các tội phạm vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực hải quan.

Song song đó là chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với hải quan địa phương, các lực lượng chức năng; tổ chức phối hợp tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, đấu tranh bắt giữ, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế từ thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh đến đào tạo tập huấn, phục vụ tốt nhất cho đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của Hải quan Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục