Liệu Indonesia có quá tham vọng khi “chạy đua” đăng cai Olympic 2032?

05:30' - 22/11/2020
BNEWS Mới đây Tổng thống Indonesia, ông Widodo Joko (Jokowi), khẳng định Indonesia sẽ cạnh tranh với Australia, Đức, Ấn Độ, Qatar và Hàn Quốc để tiếp tục đăng cai Thế vận hội Olympic 2032.

“Asian Games 2018 và Asian Para Games đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện này đã cải thiện niềm tin của người dân Indonesia và người dân các nước Đông Nam Á đối với chúng ta. Đây cũng sự kiện chứng minh với thế giới rằng Indonesia có đủ khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế. 
Do vậy, trong năm 2018, chúng ta đã chính thức nộp hồ sơ đăng cai tổ chức Olympic 2032", Tổng thống Jokowi cho biết trong cuộc họp Nội các đầu tháng 11/2020 và được cơ quan truyền thông nước này đăng tải rộng rãi.
Theo trang mạng The ASEAN Post, những dư âm trong việc Indonesia tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á  (Asian Games) 2018 và Asian Para Games vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Indonesia và những người đã tham dự Đại hội này tại Jakarta và Palembang, hai thành phố lớn của Indonesia. Tuy nhiên, quyết định đăng cai Olympic 2032 là một quyết định cần được Indonesia xem xét nghiêm túc trước khi bắt tay vào thực hiện.
Olympic là một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Về quy mô, Olympic lớn hơn rất nhiều Asian Games 2018 và Asian Para Games. Olympic với tư cách là một sự kiện toàn cầu và gây sự quan tâm, chú ý của tất cả người dân trên thế giới.
Đối với quốc gia đăng cai tổ chức, sự kiện này có thể mang lại uy tín và tiếng tăm rất lớn và có thể tạo ra tiền đề tốt để quốc gia đăng cai sự kiện này tiếp tục gặt hái những thành công khác. 
Vì vậy, các cuộc thi đấu thể thao đã nổi lên như một sự kiện văn hóa quốc tế và là cách để nước chủ nhà quảng bá hình ảnh về đất nước, con người của quốc gia mình đến mọi người dân trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới cũng có nghĩa là sẽ phải chi phí rất lớn. Ông Andrew Rose, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học California (UC) Berkeley của Mỹ, cho rằng, việc đăng cai Olympic chỉ là một ý tưởng táo bạo và ẩn chứa yếu tố rủi ro đối với Indonesia. 
Bởi lẽ hầu như mọi kỳ Olympic đều cho thấy khoản kinh phí cần sử dụng đều vượt dự kiến ban đầu của nước chủ nhà, vượt ngân sách của các chính phủ dẫn đến việc các thành phố đăng cai tổ chức sự kiện này phải gánh chịu các khoản nợ lên đến hàng tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, ước tính chi phí để tổ chức cho kỳ Olympic 2032 có thể là 12 tỷ USD, nhưng con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều và có thể vượt trên 20 tỷ USD. Năm 2016, Brazil đã chịu tổn thất nặng nề vì đăng cai Olympic Rio de Janeiro. 
Chính phủ nước này đã phải cắt giảm chi tiêu đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục của người dân để bù đắp vào khoản tổn thất do tổ chức Olympic gây ra. Thậm chí, trong thời gian Brazil đăng cai tổ chức sự kiện này, lực lượng cảnh sát phải tăng tần suất làm việc mà không được trả lương do chính phủ không có đủ ngân sách.
Giáo sư Bent Flyvbjerg thuộc Đại học Kinh doanh Saïd của Oxford, Vương quốc Anh đã xem xét và đánh giá 15 kỳ Olympic, kể từ Olympic Rome năm 1960. Giáo sư Bent Flyvbjerg kết luận rằng việc tổ chức một sự kiện như vậy là “siêu dự án” và có rất nhiều rủi ro về tài chính và vô cùng tốn kém. Việc này khó khăn hơn khi một thành phố của quốc gia đăng cai có thể phải gánh vác.

Trong bài viết với tiêu đề “Brazil trong tình trạng hỗn loạn, Brazil đếm ngược để đến Thế vận hội”, phóng viên Rebecca R Ruiz của tờ New York Times đã mô tả những thách thức mà những người chuẩn bị đăng cai Olympic Rio de Janeiro phải đối mặt.

Những thách thức lớn nhất vẫn là việc xây dựng các sân vận động phục vụ cho các trận thi đấu thể thao và cải thiện tình trạng giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn tại quốc gia này.
Theo chuyên gia kinh tế Andrew Zimbalist thuộc Đại học Smith, thực tế cho thấy Brazil đã chi hơn 20 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động đăng cai tổ chức các thế vận hội thể thao nhưng chỉ nhận lại chưa đến 2 tỷ USD lợi nhuận từ việc này. Lẽ ra Chính phủ Brazil nên chi tiền cho những thứ mà người dân Brazil đang cần như cải tạo hệ thống cấp thoát nước ống nước, hệ thống y tế hay các vấn đề xã hội khác.
Vào thời điểm đó, Brazil cũng đang phải trải qua những vấn đề phức tạp với phiên tòa luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến  các vấn đề liên quan đến việc tổ chức Olympic 2016. Các cuộc biểu tình lớn diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất mà Brazil phải trải qua trong nhiều thập kỷ. 
Các cuộc biểu tình liên tục tiếp diễn cùng với các vấn đề khó khăn của nền kinh tế quốc gia, dịch Zika hoành hành… tất cả đã cuốn Brazil vào một chuỗi các khó khăn chồng chất. Theo dữ liệu thống kê của quốc gia này, Brazil đã phải chi hơn 1,5 lần so với dự tính cho việc thực hiện Olympic 2016.
Olympic 2032 sẽ là cơ hội để Indonesia nâng cao vị thế của mình trên thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế và có thể đánh dấu một thành công khác của Indonesia trong việc tổ chức các sự kiện quy mô lớn sau Asian Games 2018. 
Hiện tại, Tổng thống Jokowi đã chỉ thị cho Bộ Thanh niên và Thể thao của đất nước thành lập một Ủy ban đặc biệt phục vụ cho việc Indonesia đăng cai Olympic 2032. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đang thúc đẩy để chuẩn bị khoản ngân sách cần thiết nhằm phục vụ cho sự kiện này.
Tuy nhiên, đối với những gì đã diễn ra tại Brazil năm 2016, Indonesia phải rút ra bài học và cân nhắc thật kỹ lưỡng kế hoạch đăng cai tổ chức Olympic 2032 của mình. Hầu hết ngân sách của Brazil được giải ngân để xây dựng các cơ sở mới.

Nhưng kể từ đó, cả khu vực sân vận động Maracana của Brazil đã trở thành một “thị trấn ma” ở Rio de Janeiro. Chỉ 5 tháng sau Olympic 2016 Rio de Janeiro kết thúc, tất cả các sân vận động bị bỏ hoang khi Brazil lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt, chồng chất các khoản nợ.
Thế giới đang háo hức đón chờ một kỳ Olympic chỉ diễn ra 4 năm một lần. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia cần phải xem xét tất cả các bước chuẩn bị cần thiết, bao gồm cả việc tiến hành các nghiên cứu khả thi trước khi quyết định đăng cai tổ chức Olympic 2032.

Nếu không có những tính toán nghiêm túc, không có các kế hoạch chi tiết, Indonesia có thể sẽ phải đối mặt thất bại và những khoản nợ khổng lồ như những gì Brazil đang gặp phải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục