Lo ngại ngành ngân hàng Mỹ rơi vào tay một số thể chế tài chính lớn

07:13' - 24/05/2023
BNEWS Việc Chính phủ Mỹ đứng ra làm trung gian mua bán các ngân hàng như First Republic Bank, Signature Bank và Silicon Valley Bank (SVB) đang tạo ra một vòng luẩn quẩn.

 

Các nguồn tin trong ngành tài chính cho biết, việc Chính phủ Mỹ đứng ra làm trung gian mua bán các ngân hàng như First Republic Bank, Signature Bank và Silicon Valley Bank (SVB) đang tạo ra một vòng luẩn quẩn. Những ngân hàng đang gặp khó khăn cần phải bị phá sản và nhận được sự trợ giúp của chính phủ trước khi bên mua xuất hiện.

Trường hợp mới nhất điển hình là Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã chọn JPMorgan Chase & Co là người thắng trong cuộc đua để mua lại ngân hàng First Republic Bank vào ngày 1/5 vừa qua.

*Chờ đợi có tính toán

Sau khi First Republic Bank nỗ lực tìm kiếm người mua thuộc khu vực tư nhân trong nhiều tuần, FDIC đã nắm giữ ngân hàng này và ký một thỏa thuận với JPMorgan để kiểm soát phần lớn tài sản của họ. JPMorgan cho biết họ sẽ trả 10,6 tỷ USD cho FDIC, đồng thời ký một thỏa thuận chia sẻ tổn thất với chính phủ về các khoản thế chấp nhà ở và các khoản vay thương mại. FDIC cũng sẽ cung cấp cho JPMorgan khoản tài trợ 50 tỷ USD trong 5 năm với mức lãi suất cố định không được tiết lộ như một phần của thỏa thuận trên.

Mayra Rodríguez Valladares, chuyên gia tư vấn rủi ro tài chính tại MRV Associates, cho biết: “Sau những gì đã xảy ra với First Republic Bank, các ngân hàng không muốn mua bất kỳ ngân hàng nào khác trước khi FDIC tiếp quản”. Ông Valladares nói: “Chi phí mua rẻ hơn, giá cổ phiếu giảm và bạn không gặp phải những vấn đề thường thấy trong các cuộc đàm phán mua lại và sáp nhập (M&A) có thể dẫn tới việc kết thúc đàm phán mà không đạt được thỏa thuận nào".

Hiện tượng này làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay sẽ đẩy nhanh quá trình ngành ngân hàng Mỹ tập trung vào một số thể chế tài chính, làm giảm sự cạnh tranh của người tiêu dùng và làm tăng thêm rủi ro nếu một ngân hàng khổng lồ phá sản.

SVB - ngân hàng phá sản hồi tháng Ba năm nay và gây ra tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở các ngân hàng khu vực, cũng đã được First Citizens BancShares mua lại với sự trợ giúp của FDIC. Việc mua bán đã rút khoảng 20 tỷ USD từ một quỹ bảo hiểm được tài trợ bởi các ngân hàng và do Chính phủ điều hành.

Việc New York Community Bancorp mua lại ngân hàng Signature Bank bị phá sản cũng cho thấy thực trạng là bên mua chọn những phần tài sản mà họ muốn lấy và để lại những tài sản không mong muốn, chẳng hạn như danh mục đầu tư tiền điện tử của Signature Bank. Thỏa thuận này tiêu tốn của quỹ 2,5 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho biết, sau những thương vụ như vậy, những người mua giao dịch công khai sẽ có xu hướng chờ đợi những ngân hàng gặp khó khăn sụp đổ hẳn để họ có thể nhận được các điều khoản mua lại thuận lợi hơn từ FDIC.

*Những rủi ro song hành

Các quan chức của FDIC cho biết, những bên mua lại sẽ có nguy cơ bị thua lỗ nếu họ để giá trị của mục tiêu  giảm dần theo thời gian trong khi chờ đợi sự tiếp nhận của FDIC. Họ cũng phủ nhận các thể chế tài chính lớn này đã nhận được những lợi thế đặc biệt trong những vụ phá sản gần đây. Các ngân hàng lớn đều có thể đấu thầu mua lại SVB, Signature Bank và First Republic Bank, chỉ một ngân hàng trong số đó được mua lại bởi một ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống toàn cầu, còn gọi là G-SIB.

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Raymond James đã viết trong một ghi chú hồi đầu tháng Tư vừa qua rằng các vụ sáp nhập ngân hàng của Mỹ đã diễn ra chậm chạp khi lãi suất tăng và suy thoái kinh tế xuất hiện. Họ cho biết quý I/2023 là khoảng thời gian mở đầu một năm bình lặng nhất đối với các giao dịch ngân hàng trong vài chục năm qua.

Sự biến động của cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ khiến việc đạt được các thỏa thuận thậm chí còn khó khăn hơn. Cổ phiếu của ngân hàng PacWest Bancorp, có trụ sở tại Los Angeles, đã tăng 82% vào ngày 5/5 sau khi giảm hơn 40% vào phiên trước đó, do có thông tin cho hay ngân hàng này đang khám phá các lựa chọn để củng cố hệ thống tài chính của họ.

David Sandler, đồng Giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư dịch vụ tài chính tại Piper Sandler Companies, cho biết, sự biến động của thị trường khiến những tập đoàn tài chính muốn mua lại các ngân hàng không thể tập hợp đủ tiền để thâu tóm các tài sản đang gặp khó khăn nếu thực hiện theo các bước của một thương vụ mua lại truyền thống.

Mặc dù các nhà chức trách Mỹ có thể giải tỏa mối quan ngại này với trong ba quy trình tiếp nhận, nhưng họ cũng làm dấy lên kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng các ưu đãi cho người mua để bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn đối với các phần không mong muốn trong danh mục đầu tư của các ngân hàng bị đóng cửa.

Khi cho phép JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, mua lại một ngân hàng cho vay bị phá sản, nhiều nhà chức trách hoài nghi về quan điểm có từ lâu nay rằng Chính phủ sẽ ngăn chặn các “gã khổng lồ” ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn. Những lo ngại về việc liệu các cuộc giải cứu ngân hàng có vô tình khiến các ngân hàng lớn hùng mạnh hơn hay không nổ ra giữa bối cảnh những người gửi tiền hoảng sợ rút tiền của họ ra khỏi các ngân hàng nhỏ và tìm kiếm sự an toàn trong các ngân hàng quy mô lớn hơn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích của thị trường tài chính Mỹ, tình trạng ngân hàng vỡ nợ và bị mua lại cộng thêm việc nợ xấu liên quan đến bất động sản thương mại gia tăng sẽ khiến nguồn tín dụng cung ứng ra thị trường Mỹ bị siết chặt. Và điều đó tất yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Chính bản thân Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng thừa nhận điều này có thể diễn ra.

Các ngân hàng thương mại nhỏ và vừa của Mỹ vì vậy ở trong trạng thái về nguyên tắc là không vỡ nợ, nhưng lợi nhuận thu hẹp. Và một vài tin xấu có thể đột nhiên gây hoảng loạn và đổ vỡ ngân hàng theo cách không thể lường trước. Người gửi tiền không phải chuyên gia kinh tế, họ không nhìn vào các chỉ số tài chính, mà nhìn xem người khác có chạy đi rút tiền hay không mà thôi.

* “Giậu đổ bìm leo”

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng được cho là quá lớn để sụp đổ vì tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu thậm chí đã phát triển mạnh hơn: Tài sản của JPMorgan tăng vọt lên 3.700 tỷ USD vào cuối quý I/2023, từ mức tương ứng gần 1.600 tỷ USD vào cuối quý I/2007. Tài sản tại Bank of America Corp, ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Mỹ, đã tăng từ mức 1.700 tỷ USD trong năm 2007 lên 3.200 tỷ USD vào cuối quý I/2023.

Một lợi ích khác của việc mua thông qua quyền tiếp nhận của FDIC là tránh được quá trình phê duyệt quy định kéo dài mà các vụ sáp nhập khác phải đối mặt. Tập đoàn tài chính Toronto-Dominion của Canada mới đây đã hủy bỏ việc mua lại First Horizon Corp trị giá 13,4 tỷ USD sau khi dành hơn một năm cố gắng để tìm được sự chấp thuận.

Theo dữ liệu của BankRegData, lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng Mỹ đạt mức cao nhất lịch sử, khoảng 80 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của ngành này tăng vọt ngay cả khi đang đối mặt với hậu quả của hai vụ sụp đổ ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng đã đóng góp phần lớn cho lợi nhuận bội thu nói trên. Khoảng một nửa mức tăng tổng lợi nhuận quý I của ngành ngân hàng Mỹ đến từ lợi nhuận ghi nhận một lần của First Citizens và Flagstar, hai ngân hàng đã lần lượt mua tài sản còn lại của SVB và Signature Bank sau khi hai ngân hàng này bị các cơ quan quản lý tiếp quản và bán lại với giá chiết khấu trong tháng 3/2023.

Lợi nhuận quý I của First Citizens, ngân hàng giành phần thắng trong cuộc đấu thầu do FDIC chủ trì để tiếp quản hoạt động kinh doanh của SVB, tăng vọt lên 9,5 tỷ USD so với 273 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập ròng trong quý I của Flagstar, ngân hàng mua phần lớn tiền gửi và tất cả các chi nhánh của Signature Bank vào giữa tháng 3/2023, tăng lên 2 tỷ USD so với khoảng 164 triệu USD vào một năm trước. Flagstar là công ty con của New York Community Bancorp. Cổ phiếu của cả hai ngân hàng đều tăng vọt sau khi thương vụ mua lại được công bố.

Lợi nhuận tăng mạnh trong quý I cũng cho thấy các ngân hàng Mỹ nhìn chung được hưởng lợi từ lãi suất tăng, tỷ lệ vỡ nợ thấp và thị trường việc làm mở rộng bất chấp tâm lý lo lắng của người gửi tiền và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo BankRegData, một dấu hiệu cho thấy lợi nhuận bội thu của ngành ngân hàng khó có thể duy trì là tổng chi phí lãi vay của tất cả các ngân hàng ở Mỹ tăng gấp 10 lần so với một năm trước, lên 85 tỷ USD trong quý I/2023. Điều này là do các ngân hàng, đặc biệt kể từ tháng Ba, đã tăng lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.

Jan Bellens, người đứng đầu hoạt động thị trường vốn và ngân hàng toàn cầu tại công ty kiểm toán EY, cho biết những người tham gia thị trường đang theo dõi xem liệu các cơ quan quản lý có trở nên cởi mở hơn trong việc hợp nhất hoặc đẩy nhanh việc phê duyệt tiếp quản hay không. Theo chuyên gia Herman Chan của Bloomberg Intelligence, vụ First Republic Bank được giải quyết ổn thỏa là một tín hiệu tốt nhưng hiện vẫn chưa có một giải pháp rõ ràng cho vấn đề thiếu niềm tin vào các ngân hàng khu vực. Và đó chính là nguyên nhân khiến làn sóng bán tháo chưa thể dừng lại./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục