Lợi thế của Đông Nam Á trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

05:30' - 25/02/2019
BNEWS Mới nhất, tờ Nikkei (Nhật Bản) nhận định do chi phí thuê nhân công Trung Quốc tăng cao, nhiều nhà sản xuất đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN 

Truyền thông Nhật Bản gần đây đưa tin môi trường thương mại toàn cầu thay đổi, cùng với tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đã khiến các nước Đông Nam Á ngày càng có lợi thế trong việc thay thế Trung Quốc làm công xưởng sản xuất.

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có sự tham gia của Việt Nam và Malaysia, có hiệu lực vào cuối năm ngoái, các nhà sản xuất còn có thể hưởng những lợi ích của việc bãi bỏ thuế quan. Điều này càng làm tăng sức hấp dẫn của Đông Nam Á trong vai trò là cơ sở sản xuất lớn.

Theo báo trên, tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 12 tỷ yen (khoảng 108 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất bìa carton tại Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Theo kế hoạch, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất 350.000 tấn bìa carton mỗi năm sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020 và đạt mục tiêu doanh thu hơn 20 tỷ yen (khoảng 180 triệu USD) mỗi năm.

Marubeni tin rằng các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất đang tập trung tại Việt Nam là khách hàng tiềm năng của họ. Được biết, các doanh nghiệp điện tử như Samsung Electronics của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, do đó dự kiến nhu cầu về bìa carton để đóng gói các sản phẩm điện tử và các linh kiện máy móc sẽ tăng lên.

Ngoài ra, công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo của Nhật Bản là Fast Retailing cũng sẽ tăng số các nhà máy may mặc tại Việt Nam. Hiện nay, Fast Retailing đang chuyển một số cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Danh sách các nhà máy may hợp tác chính của Uniqlo được công bố hồi tháng 3/2018 cho thấy số lượng nhà máy tại Việt Nam đã lên tới 39, tăng khoảng 40% so với năm 2017.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất lớn nhất, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ khiến người ta lo ngại. Chủ tịch của Fast Retailing, ông Tadashi Yanai cho biết: “Ít nhiều cũng có ảnh hưởng, nhưng chúng tôi có thể sản xuất nó ở các nước và khu vực khác, vì vậy chúng tôi cân nhắc tăng cường hoạt động sản xuất ở Việt Nam”.

Hãng thời trang Adastria (Nhật Bản) đã mua sợi tơ từ Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Mặc dù khoảng 80% sản lượng của công ty vẫn phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, nhưng họ có kế hoạch tăng sản lượng ở Đông Nam Á lên 30% trong hai hoặc ba năm.

Trong khi đó, các công ty Đài Loan (Trung Quốc) cũng chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện tử từ Trung Quốc đại lục sang Philippines.

Ngoài các công ty Nhật Bản, tập đoàn điện tử New Kinpo Group (Đài Loan) cũng sẽ mở rộng nhà máy tại Philippines, chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang các nhà máy mới.

Chi phí lao động gia tăng là một yếu tố chính trong dự định dịch chuyển của các doanh nghiệp. Theo số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại Nhật Bản, mức lương hàng tháng của một công nhân ở Trung Quốc là 493 USD, tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Mặc dù tiền lương công nhân ở Đông Nam Á cũng tăng đáng kể, nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 227 USD, ở Philippines là 220 USD, tương đối thấp hơn so với Trung Quốc.

Ngoài việc giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào Đông Nam Á cũng đang hướng tới việc thâm nhập thị trường ASEAN với dân số trên 600 triệu người. Có nhiều thị trường mới nổi trong số các thành viên ASEAN, và nền kinh tế của các quốc gia này đang tăng trưởng với tốc độ cao với tiềm năng rất lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục