Luật Cạnh tranh 2018: Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh

12:48' - 23/10/2021
BNEWS Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả công cụ quản lý nhà nước nhằm từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, khẳng định vai trò của Luật Cạnh tranh 2018 trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sau quá trình thực hiện Luật Cạnh tranh 2018, đến nay Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả công cụ quản lý nhà nước nhằm từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và khẳng định vai trò của luật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Để luật thực sự đi vào cuộc sống, nhất là những điểm mới của luật được cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thực thi, việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn luôn được Bộ Công Thương coi trọng.
Đặc biệt, trong quá trình thực thi luật, Bộ Công Thương tăng cường triển khai kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường. Từ năm 2019 đến nay, Bộ đã tiếp nhận và xử lý 125 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 với số lượng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là 258; trong đó, số lượng doanh nghiệp nước ngoài là 131, chiếm 51% và số lượng doanh nghiệp Việt Nam là 127, chiếm 49%.
Về quản lý hạn chế cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra tiền tố tụng gần 100 vụ việc trên nhiều thị trường, lĩnh vực, ngành nghề để thu thập, xác minh các thông tin, dấu hiệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã xử lý 4 vụ việc; trong đó, có những vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường du lịch, vụ việc grab/uber…
Cũng trong giai đoạn 2017 - 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh với 18 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh 2004, với tổng số tiền phạt trên 1,6 tỷ đồng.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị điều tra và xử lý tập trung chủ yếu vào các dạng hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, dèm pha doanh nghiệp khác, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, bán hàng đa cấp bất chính…
Với những kết quả đạt được, có thể thấy bước đầu Luật Cạnh tranh 2018 đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, nhất là xu hướng gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai tổ chức thực thi luật vẫn còn gặp nhiều khó khăn do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được thành lập nên việc điều tra và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn 2019 - 2021 không thể triển khai theo quy định.
Với mong muốn xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có vị thế đủ mạnh, độc lập để thực hiện tốt vai trò là cơ quan tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục báo cáo Chính phủ sớm kiện toàn mô hình, tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục