Lý do doanh nghiệp Hàn Quốc trở lại với lĩnh vực năng lượng hạt nhân

05:30' - 02/06/2022
BNEWS Các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang củng cố các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân sau khi có được động lực từ Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa diễn ra tại Seoul.
Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn lời các nhà quan sát thị trường sở tại cho rằng các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang củng cố các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân sau khi có được động lực từ Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa diễn ra tại Seoul.

Trong Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định cam kết đối với sự phát triển và tiến bộ của một nguồn năng lượng rẻ hơn, giá cả phải chăng và ổn định, cùng với việc tăng cường hợp tác tổng thể trong sản xuất chất bán dẫn và pin.

Ưu tiên mới của liên minh kinh tế chung Hàn-Mỹ cũng nhấn mạnh động lực hiếm có đối với cả hai quốc gia, một dấu hiệu mà nhiều tập đoàn mô tả là cơ hội phát triển doanh nghiệp ổn định để vượt qua nhiều năm thất bại do đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để củng cố các chính sách năng lượng mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm từ bỏ “chính sách không hạt nhân” của chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in vốn đã bị chỉ trích là thiếu các giải pháp thay thế khả thi.

Lò phản ứng mô-đun nhỏ

Đứng đầu trong số những đối tượng nhận các khoản đầu tư lớn và dài hạn sẽ là ngành công nghiệp lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) vốn được coi là thế hệ tiếp theo của lò phản ứng hạt nhân. Mặc dù SMR có công suất và quy mô phát điện thấp hơn so với các nhà máy điện hạt nhân lớn hiện có song đổi lại có độ an toàn cao, tính đơn giản của thiết kế và phương pháp xây dựng.

Hyundai Engineering, một công ty con chuyên về xây dựng của tập đoàn Hyundai Motor ngày 23/5, cho biết, họ đã thành lập một tổ chức chuyên thúc đẩy các dự án điện hạt nhân. Nhân viên của tổ chức sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh SMR, được hỗ trợ bằng việc sản xuất các lò phản ứng nhỏ và hydro, cũng như ngừng vận hành các nhà máy điện hạt nhân và tiến hành nghiên cứu các dự án chu trình hạt nhân và các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Một quan chức của Hyundai Engineering cho hay: “SMR đã nổi lên như một phương tiện quan trọng để thúc đẩy tính trung hòa của carbon, được các công ty trên thị trường toàn cầu công nhận. Hoạt động kinh doanh SMR sẽ phát triển đáng kể, được hỗ trợ bởi các cam kết được nhắc lại gần đây của các nhà lãnh đạo ở Hàn Quốc và Mỹ”.

Hợp tác đầu tư chung

Tương tự, Tập đoàn SK Inc. (Hàn Quốc) ngày 17/5 vừa qua đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với TerraPower, một công ty thiết kế SMR của Mỹ do tỷ phú Bill Gates thành lập năm 2008. TerraPower được biết đến nhiều nhất với công nghệ lò phản ứng làm mát nhanh bằng natri (SFR) dự kiến sẽ được thương mại hóa hoàn toàn vào đầu năm 2028, một lĩnh vực hợp tác với các chi nhánh của SK bao gồm SK Innovation trong các dự án nghiên cứu và phát triển chung.

SK Inc. cho biết trong một tuyên bố rằng: “Việc mở rộng hoạt động ở trong nước và cả ở nước ngoài sẽ được thúc đẩy nhanh chóng bởi sức sống tổng thể của ngành sẽ được tăng cường”.

Công ty Samsung Heavy Industries chuyên về lĩnh vực xây dựng nhà máy và năng lượng của tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ngày 7/4 vừa qua cũng đã ký MoU với Seaborg, nhà phát triển lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo của Đan Mạch để phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi.

Dự án sẽ được thực hiện bằng cách tích hợp chặt chẽ khả năng đóng tàu của Samsung và công nghệ Lò phản ứng muối nóng chảy nhỏ gọn (CMSR) của Đan Mạch. CMSR do Seaborg phát triển sử dụng năng lượng phân hạch hiệu quả cao để tạo ra điện mà không tạo ra khí nhà kính. Lò phản ứng có kích thước nhỏ hơn nhiều và phù hợp để sử dụng rộng rãi hơn với ít hạn chế hơn so với các nhà máy điện hạt nhân lớn hiện có.

Công ty Doosan Enerbility chuyên về năng lượng của tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) ngày 25/5 vừa qua cũng cho biết, họ sẽ đầu tư 5.000 tỷ won (3,9 tỷ USD) vào SMR, tuabin khí, hydro và pin nhiên liệu hydro trong 5 năm tới.

Thông báo này là diễn biến mới nhất sau chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Joe Biden bên cạnh mối quan hệ hợp tác đang diễn ra với NuScale Power, một công ty hàng đầu của Mỹ chuyên về công nghệ SMR. Với sự gia tăng đầu tư để hồi sinh hệ sinh thái của thị trường năng lượng hạt nhân, hai doanh nghiệp này có kế hoạch bắt đầu sản xuất các sản phẩm SMR chủ chốt vào nửa cuối năm 2023.

Triển vọng lạc quan

Theo Lee Jong-ho, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân về Chính sách Công nghệ Tương lai (NIFTEP) trực thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), động thái này rất đáng khích lệ. Ông nói: “Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân gần như sụp đổ hoàn toàn nhưng với các khoản đầu tư gần đây chúng ta lại thấy có dấu hiệu để hy vọng”. 

Nhà kinh tế Lee In-ho của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng sự gia tăng nhanh chóng trong các khoản đầu tư của doanh nghiệp mang lại động lực tăng trưởng kinh tế rất được chờ đợi. Ông nói thêm: “Các doanh nghiệp lâu nay vẫn miễn cưỡng đầu tư, dẫn đến suy thoái kinh tế. Việc làm được tạo ra từ các khoản đầu tư mới sẽ giúp nâng cao sự sống động".

Park Ho-jeong, Giáo sư Kinh tế Tài nguyên và Năng lượng tại Đại học Hàn Quốc (KU), cho biết hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy, thể hiện qua sự thay đổi các ưu tiên gần đây của cơ quan năng lượng mới được chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol thành lập. Phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 13/5 vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE) Lee Chang-yang nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ định hướng lại các chính sách năng lượng để gia tăng vai trò lớn hơn của năng lượng hạt nhân.

Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất thiết bị điện hạt nhân của công ty Doosan Enerbility ở thành phố Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang ngày 20/5 vừa qua, Thứ trưởng thứ hai MOTIE Park Il-jun đã nhấn mạnh rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét các cách thức để đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt cho việc xây dựng cơ sở điện hạt nhân, đồng thời cũng sẽ tăng cường hỗ trợ xuất khẩu hệ thống hạt nhân để mang lại nhiều việc làm hơn cho các doanh nghiệp địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục