Lý giải việc Hàn Quốc tăng cường xây dựng năng lực quân đội

06:30' - 06/10/2017
BNEWS Trang tin New York Times ngày 28/9 đã đăng bài phân tích của tác giả Choe Sang - Hun về việc Hàn Quốc tăng cường xây dựng năng lực quân đội để đối phó với CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 7/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo bài viết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 28/9 cho biết, quân đội Hàn Quốc sẽ nỗ lực tăng cường sức mạnh tấn công phủ đầu, phòng thủ tên lửa và các khả năng đáp trả để đối phó với Triều Tiên. Ông Moon Jae-in cũng kêu gọi các lực lượng vũ trang Hàn Quốc cần tăng cường tính độc lập, không quá phụ thuộc vào Mỹ.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày lực lượng vũ trang Hàn Quốc, ông Moon Jae-in cho biết ông sẽ thúc đẩy để Hàn Quốc giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến khỏi cơ cấu chỉ huy do Mỹ đứng đầu. 

Tổng thống Moon nói: “Khi Hàn Quốc có quyền kiểm soát hoạt động thời chiến, Triều Tiên sẽ sợ chúng ta hơn và lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ được tin tưởng nhiều hơn”.

Sau khi trở thành một nền dân chủ vào những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã được trao quyền chỉ huy thời bình đối với 655.000 quân thường trực của họ. Quân đội Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Đại tướng Mỹ Vincent Brooks chỉ huy. 

Ông Brooks cũng là tư lệnh chỉ huy hơn 28.500 quân nhân Mỹ tại Hàn Quốc. Trong thời chiến, vị Tư lệnh Mỹ cũng sẽ nắm quyền kiểm soát cả các lực lượng Hàn Quốc, nhưng đây không phải là một sự chuyển giao tự động. Tổng thống Hàn Quốc trước hết phải đồng ý giao lại quyền kiểm soát đó.

Ông Moon và các nhân vật có lập trường cấp tiến khác của Hàn Quốc từ lâu đã đòi giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến. Lý do chính của nỗ lực này là vấn đề chủ quyền, vốn gắn liền với cảm xúc chống Mỹ ở nước này.

Ngược lại, những thành phần bảo thủ lâu nay phản đối việc nắm quyền kiểm soát độc lập thời chiến, vì lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc.

Chính phủ theo lập trường cấp tiến ở Seoul dường như đang tìm cách phát đi một thông điệp chính trị, rằng họ không ủng hộ những phát biểu lên gân kiểu “hỏa thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và những lời đe dọa của ông Trump sẽ đáp lại bằng vũ lực áp đảo những hành động khiêu khích của Triều Tiên. 

Robert Kelly, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nói: “Tôi nghĩ đây có thể là cách mà ông Moon tự tách mình ra khỏi lối cư xử của ông Trump trong tháng qua”.

Ngay từ khi tranh cử, ông Moon Jae-in cùng các thành viên đảng Dân chủ tự do đã chủ trương mong muốn Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quan hệ đồng minh với Mỹ. 

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu đáng lo ngại về cam kết của Washington trong việc đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc, quan điểm của ông Moon Jae-in đã giành được nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng.

Theo ông Moon Jae-in, sự tự lực nhiều hơn sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn cho quân đội Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc cần tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Một trợ lý của ông Moon cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục đưa các phương tiện quân sự chiến lược tới khu vực nhằm đối phó với Triều Tiên. 

“Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo khả năng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ phía Triều Tiên”, ông Moon cho biết thêm.

Kể từ khi ông Moon tuyên thệ nhậm chức, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 5 vụ thử tên lửa, 2 trong số đó là các vụ thử tên lửa liên lục địa.

Ngày 3/9 mới đây, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong – un và Tổng thống Mỹ Trump hiện vẫn không ngừng đưa ra các lời tuyên bố đe dọa lẫn nhau.

Ông Moon được cho là người cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm. Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump hồi tuần trước, Mỹ đã đồng ý bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho Hàn Quốc. 

Hôm 27/9, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí mở rộng việc triển khai các thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc cho tới hết năm.

Ông Chung Eui-yong không nói rõ các thiết bị chiến lược nào sẽ được triển khai tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Mỹ thường gửi các loại máy bay ném bom chiến lược và các tàu ngầm hạt nhân tham gia tập trận với Hàn Quốc.

Trong phát biểu hôm 28/9, ông Moon cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường 3 chương trình quân sự gồm hệ thống tấn công phủ đầu được biết đến với tên gọi “chuỗi tiêu diệt” có thể tấn công vào các vị trí tên lửa của Triều Tiên; hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa; và chương trình được thiết kế để tấn công trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Triều Tiên. 

Ông Moon cho rằng, quân đội Hàn Quốc nên có đủ sức mạnh để giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến từ Mỹ, đồng thời “đóng vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ phối hợp ổn định và mạnh mẽ hơn" cùng với Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục