Malaysia thu hút vốn đầu tư trực tiếp ngước ngoài giảm gần 13%

18:50' - 24/07/2018
BNEWS Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng đổ vào Malaysia trong năm 2017 chỉ đạt 41 tỷ ringgit (10,08 tỷ USD), giảm 12,77% so với năm trước đó.
Năm 2017 Malaysia thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm gần 13% so với năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng đổ vào Malaysia trong năm 2017 chỉ đạt 41 tỷ ringgit (10,08 tỷ USD), giảm 12,77% so với năm trước đó, sau khi đạt mức cao 47 tỷ ringgit trong năm 2016, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Malaysia.

Cơ quan Thống kê Malaysia cho hay trong năm ngoái, lượng vốn FDI chủ yếu được rót vào khu vực dịch vụ (chiếm 48,2% tổng số vốn), nhất là lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, hoạt động thông tin và truyền thông.

Khai mỏ và khai thác đá là lĩnh vực hút FDI nhiều thứ hai (31,2%), tiếp đến là khu vực chế tạo (15,7%).

Châu Á là địa bàn cung cấp FDI nhiều nhất cho Malaysia, chiếm 63,5% tổng FDI của nước này, tiếp theo là châu Âu và châu Phi.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục là nhà đầu tư châu Á hàng đầu tại Malaysia trong năm vừa qua với 7,5 tỷ ringgit, trong khi Trung Quốc đã “soán ngôi” Singapore trở thành nhà đầu tư đóng góp FDI nhiều thứ hai (với 6,9 tỷ ringgit) cho Malaysia.

Malaysia cũng ghi nhận số tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (DIA) ròng thấp hơn trong năm ngoái khi chỉ đạt 24,9 tỷ ringgit, thấp hơn đáng kể so với mức 33,2 tỷ ringgit trong năm 2016.

Châu Á là điểm đến hàng đầu các dòng DIA của Malaysia, chiếm 50% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này, tiếp đến là châu Mỹ và châu Âu. Tại châu Á, DIA của Malaysia chủ yếu đổ vào Singapore và Indonesia.

Turkmenistan đã thế chân Ấn Độ để trở thành nước tiếp nhận DIA nhiều thứ ba của Malaysia.

Chính phủ Malaysia kỳ vọng nền kinh tế nước này tăng trưởng từ 5,5-6% năm nay, tương ứng với dự báo của Ngân hàng trung ương Malaysia.

Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng, Malaysia là một nền kinh tế mở, đa dạng do đó ngay cả khi chịu tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại toàn cầu, kinh tế Malaysia cũng sẽ tăng trưởng ít nhất là 5% trong một vài năm tới.

Số liệu của Bloomberg cho thấy thị trường chứng khoán Malaysia có khả năng hồi phục đáng kể khi so sánh với các thị trường khác như tại Singapore, Jakarta, Bangkok, Hong Kong và Thượng Hải./.

Xem thêm:

>>>Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Malaysia

>>>Kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia tăng hơn 21% trong nửa đầu năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục