Mitsubishi Matertials nối dài chuỗi bê bối của ngành công nghiệp Nhật Bản

18:50' - 23/11/2017
BNEWS Tập đoàn Mitsubishi Matertials ngày 23/11 thông báo rằng ba công ty con của họ đã gian lận thông số kỹ thuật của các sản phẩm sử dụng cho các ngành hàng không vũ trụ, ô tô và điện năng.

Cụ thể, tại công ty Mitsubishi Cable Industries, thông số của sản phẩm gioăng làm kín dạng vòng tròn (O-ring) đã bị sửa đổi.

Trong giai đoạn từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2017, lượng sản phẩm (với thông số kỹ thuật bị sửa đổi) trị giá 29,4 tỷ yen (tương đương 264 triệu USD) đã được Mitsubishi Cable giao cho 229 công ty, trong đó có 70 công ty thuộc ngành hàng không và 7 công ty sản xuất ôtô.

Cùng với đó, công ty chuyên về sản phẩm đồng Mitsubishi Shindoh cũng đã làm sai lệch số liệu của các sản phẩm sử dụng trong phụ tùng ô tô.

Theo Mitsubishi Shindoh, công ty này đã giao lượng sản phẩm bị sai lệch số liệu trị giá 120,9 tỷ yen cho 29 công ty trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017.

Một công ty con khác là Mitsubishi Aluminum cũng cung cấp các sản phẩm bị làm sai lệch thông số, song công ty này cùng các khách hàng của họ đã đảm bảo rằng những sản phẩm trên vẫn đủ an toàn để sử dụng.

Liên quan đến bê bối này, Cơ quan Sáp nhập, Công nghệ và Logistics thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một số sản phẩm không đảm bảo được yêu cầu chất lượng đã được sử dụng trong bộ phận thủy lực của máy bay và các động cơ tàu thủy.

Cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành điều tra vụ việc trên.

Mitsubishi Materials cho biết đến tháng Hai năm nay, Mitsubishi Materials đã phát giác ra việc giả mạo số liệu tại Mitsubishi Cable và đang tiếp tục điều tra sâu hơn.

Trong khi đó, việc làm giả số liệu tại Mitsubishi Shindoh bị phát hiện sau khi công ty này tiến hành một cuộc điều tra nội bộ hồi tháng trước.

Mitsubishi Materials cho hay họ sẽ tổ chức họp báo vào ngày 24/11 về vấn đề này.

Các vụ bê bối về kiểm soát chất lượng gần đây đã làm chấn động làng công nghiệp của Nhật Bản.

Đến đầu tháng 10 năm nay, tập đoàn thép Kobe Steel thừa nhận đã làm giả dữ liệu về độ bền của một số sản phẩm nhôm và đồng cung cấp cho khoảng 500 công ty trên thế giới.

Ngoài ra, hai hãng sản xuất xe lớn của Nhật Bản là Nissan Motor và Subaru Corp cũng “nhúng chàm” khi thừa nhận đã sử dụng các nhân viên chưa được cấp phép tham gia vào quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Xem thêm:

>>>Mitsubishi Pajero - mẫu xe ế ở Việt Nam phải triệu hồi thay ngòi nổ túi khí

>>>Mitsubishi Motors Corp: Tham vọng tăng doanh thu thêm 30%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục