Mỗi năm có gần 2.000 tỷ USD trợ cấp gây hại cho môi trường, khí hậu

09:04' - 21/02/2022
BNEWS Các nhà nghiên cứu kêu gọi các khoản trợ cấp cần được cải cách theo các cuộc đàm phán về hiệp ước thiên nhiên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các khoản trợ cấp đang gây hại cho hệ sinh thái, động vật hoang dã và khí hậu đã lên tới gần 2.000 tỷ USD/năm, đồng thời kêu gọi các khoản trợ cấp cần được cải cách theo các cuộc đàm phán về hiệp ước thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ được thống nhất trong những tháng tới.
Nghiên cứu trên được hậu thuẫn bởi The B Team (sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu do Sir Richard Branson và Jochen Zeitz đồng sáng lập, ủng hộ các phương thức kinh doanh tập trung hơn vào con người và khí hậu) và Business for Nature, một liên minh toàn cầu đang tìm cách ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học và thúc đẩy tính bền vững.

Đây là nghiên cứu đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua ước tính tổng giá trị của các khoản tài trợ gây hại cho môi trường.

 

Nghiên cứu cho thấy, trên toàn thế giới, mỗi năm có ít nhất 1.800 tỷ USD của chính phủ, bao gồm các khoản giảm thuế và các hình thức hỗ trợ khác, đi vào các hoạt động gây hại cho môi trường trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp, nhiên liệu hóa thạch, nghề cá biển, giao thông và nước - những lĩnh vực chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Eva Zabey, Giám đốc điều hành của Business for Nature, cho biết: “Hầu hết mọi người nghĩ rằng trợ cấp là một chủ đề khá nhàm chán hoặc là một chủ đề hoàn toàn cấm kỵ, bởi chúng đã ăn sâu vào nền kinh tế. Nhưng khi được đưa ra chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng, chúng có thể vô tình gây hại cho thiên nhiên".

Bà nói thêm, cần có một hệ thống mới để cân bằng giữa con người, thiên nhiên và nền kinh tế, mặc dù "chúng ta không thể chuyển đổi trợ cấp trong một sớm một chiều".
Việc cải thiện sự bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên, chẳng hạn như công viên, đại dương, rừng và các vùng hoang dã, được coi là rất quan trọng để bảo vệ các hệ sinh thái mà con người phụ thuộc và hạn chế sự ấm lên toàn cầu theo các mục tiêu quốc tế đã thống nhất.

Nhưng rừng vẫn bị chặt phá, thường để sản xuất các mặt hàng như dầu cọ, đậu nành và thịt bò, qua đó phá hủy sự đa dạng sinh học và đe dọa các mục tiêu về khí hậu.
Khoảng 195 quốc gia trên toàn thế giới chuẩn bị hoàn tất Hiệp định bảo vệ thực vật, động vật và hệ sinh thái - tương tự như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu- tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, được gọi là COP15, sắp diễn ra ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc. Nhưng đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh  có thể làm trì hoãn cuộc họp, vốn đã bị hoãn ba lần trước đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hàng năm ngành nhiên liệu hóa thạch nhận được 640 tỷ USD tiền hỗ trợ và các hoạt động nông nghiệp có hại cho môi trường nhận được 520 tỷ USD.

Trong khi đó, 350 tỷ USD khác được đổ vào việc sử dụng nguồn nước ngọt không bền vững, quản lý cơ sở hạ tầng nước và nước thải.

Các hình thức trợ cấp có hại cho thiên nhiên bao gồm khuyến khích trồng cây nhiên liệu sinh học có thể gây mất rừng khi đất bị giải tỏa, sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong canh tác và cung cấp cho các doanh nghiệp nước với giá rẻ.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi chính phủ các nước cần cam kết chuyển hướng, tái sử dụng hoặc loại bỏ tất cả các khoản trợ cấp có hại cho môi trường - tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - vào năm 2030./.
>>Các ngân hàng châu Âu vẫn "mạnh tay" cấp vốn cho sản xuất dầu khí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục