Mối quan hệ "bình thường mới" giữa Anh và EU giai đoạn hậu Brexit

05:30' - 13/01/2021
BNEWS Các cuộc đàm phán về Brexit và mối quan hệ tương lai giữa hai bên đã tạo ra mối quan tâm thực sự để duy trì sự thống nhất giữa 27 quốc gia thành viên EU.

Bài viết của Giáo sư Richard G Whitman thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế Chatham House nhận định việc đạt được các điều khoản và hoàn tất các thủ tục thông qua Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh-Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khỏi khối này cuối cùng đã khép lại vấn đề gây ra sự bận tâm lớn nhất của hai bên kể từ tháng 6/2016.

Mặc dù việc Anh rời EU (còn gọi là Brexit) là vấn đề chủ yếu mang tính chất quốc gia giữa Vương quốc Anh và EU, nhưng các cuộc đàm phán về Brexit và mối quan hệ tương lai giữa hai bên đã tạo ra mối quan tâm thực sự để duy trì sự thống nhất giữa 27 quốc gia thành viên EU.

Giờ đây, đàm phán Brexit đã kết thúc song EU và các nước thành viên vẫn chưa cùng nhau thảo luận, xem xét về cách thức họ muốn hợp tác với Anh, với tư cách là quốc gia thứ ba, trong các vấn đề quốc tế quan trọng.

Cho đến nay, tham vọng của EU27 chỉ giới hạn ở việc cung cấp các thỏa thuận an ninh quốc gia tiêu chuẩn với nước thứ ba, nghĩa là không có tham vấn hoặc hành động chung về chính sách đối ngoại và an ninh.

Trong khi đó về phần mình, Anh đã bị cản trở trong việc xây dựng một chiến lược hợp tác chặt chẽ với châu Âu thời kỳ hậu Brexit vì vị trí của nước này trong nền kinh tế, chính trị của châu Âu vẫn còn bất ổn và các điều khoản của mối quan hệ thương mại trong tương lai lúc đó vẫn chưa được xác định.

Các chi phí và lợi ích đối với nền kinh tế Anh do các điều khoản thương mại mới mang lại sẽ vẫn còn gây tranh cãi trong thời gian tới và việc đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế có thể phải mất một thập kỷ; nhưng những hậu quả chính trị rộng lớn hơn của sự kiện Brexit có thể dễ dàng nhận thấy hơn.

Rõ ràng là EU đã để mất một quốc gia thành viên, đồng thời phải đặt ra một tiền lệ nhằm giải quyết các nghĩa vụ liên quan đến tư cách thành viên trong một kiểu quan hệ thương mại mới, một kiểu quan hệ không dựa trên tham vọng hội nhập chặt chẽ với khuôn khổ pháp lý của thị trường chung EU.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ "kiểu Vương quốc Anh" có thể được thêm vào danh sách các mô hình thay thế cho tư cách thành viên EU, cùng với mối quan hệ kiểu Na Uy thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), hay như Thụy Sỹ và Ukraine.

Còn đối với Vương quốc Anh, Brexit đã gây ra những rạn nứt mới khi các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bằng chính sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi EU, để mỗi bên giành lại tư cách thành viên EU. 

Và Chính phủ Vương quốc Anh do Thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo đã buộc phải chấp nhận thị trường nội địa của Vương quốc Anh không thể hoạt động thống nhất trên toàn lãnh thổ của mình.

Khi Bắc Ireland bắt đầu mối quan hệ của riêng mình với thị trường chung của EU (áp dụng các quy định quản lý thị trường khác nhau so với phần còn lại của Vương quốc Anh, được phân định bằng biên giới "thủ tục giấy tờ" ở Biển Ireland), vị thế của Bắc Ireland, vốn đã đặc biệt trong Vương quốc Anh nhờ Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành, thì nay sẽ trở nên sâu sắc hơn.

Trong khi đó, sự thúc đẩy giành độc lập ở Scotland dường như sẽ trở thành cuộc tranh luận chính trị gay gắt về tương lai của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland nếu đảng Quốc gia Scotland SNP sử dụng cuộc bầu cử Quốc hội Scotland vào tháng 5/2021 để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc ly khai ra khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, ít nhất thì việc cùng phản đối vấn đề đòi độc lập của Scotland có thể thống nhất Quốc hội Westminster trước đây bị chia rẽ gay gắt vì Brexit bởi các đảng phái chính trị. Hiện tại, cuộc tranh luận chính trị giữa các đảng phái có thể tập trung vào việc liệu có làm sâu sắc thêm hay làm suy yếu hơn nữa mối quan hệ với EU, hơn là thúc đẩy tái gia nhập EU.

Việc hai bên chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh-EU báo hiệu sự khởi đầu của việc "bình thường mới" trong mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh. Tính biểu tượng của việc đạt được một thỏa thuận chính thức sau tất cả những bất ổn chính trị có thể là cơ sở cho hợp tác thực chất hữu hình ngoài vấn đề thương mại. Tuy nhiên, cần phải xem xét rộng hơn và sâu hơn những tính toán của London, Brussels và các quốc gia thành viên EU về những kỳ vọng cho mối quan hệ tương lai của họ.

Vương quốc Anh vẫn gắn bó với an ninh của châu Âu và có vai trò quan trọng trong sự ổn định và phát triển liên tục của Khối thị trường chung châu Âu (EEC) và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Trong khi đó, EU có lợi ích lớn đối với sự thành công của "nước láng giềng mới" về kinh tế, tính toàn vẹn chính trị và tính gắn kết xã hội.

Tuy nhiên, trong tương lai gần không nên hình thành một sự thúc đẩy nào tại Brussels hoặc các quốc gia thành viên về việc đàm phán thêm các thỏa thuận chính thức liên quan đến các vấn đề không có trong thỏa thuận hợp tác và thương mại, chẳng hạn như chính sách đối ngoại hoặc quốc phòng.

Hiện tại, Vương quốc Anh cũng tỏ ra không muốn các cuộc đàm phán mới diễn ra, do các vấn đề chính trị cấp thiết trong nước mạnh mẽ đã có thể báo hiệu quá trình Brexit đã kết thúc.

Tuy nhiên, mối quan tâm chung về an ninh và ổn định được thể hiện rõ trong các thách thức quốc tế sẽ cần phải cùng phải đối mặt, chẳng hạn như Trung Quốc, biến đổi khí hậu, cam kết của Mỹ đối với trật tự quốc tế đa phương, sự ổn định của khu vực cận châu Âu, và đặc biệt là các mối quan hệ trong tương lai với Nga.

Hiện tại, có lẽ giải pháp chung EU-Vương quốc Anh trong năm mới là hướng tới các vấn đề quốc tế cùng chung lợi ích và đồng ý rằng việc xây dựng lại mối quan hệ gắn kết tự nhiên vẫn sẽ phục vụ tốt nhất lợi ích của cả EU và Vương quốc Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục