Một quyết định lịch sử của Hàn Quốc tại WTO

10:44' - 29/10/2019
BNEWS Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ các lĩnh vực nhạy cảm trong ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, tại các cuộc đàm phán của WTO về nông nghiệp trong tương lai.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Quyết định từ bỏ những đặc quyền mà Hàn Quốc được hưởng với tư cách là một quốc gia đang phát triển trong các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà Bộ trưởng Tài chính nước này Hong Nam-ki tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 25/10, được cho là nhằm giảm bớt áp lực tiềm ẩn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích Hàn Quốc và các quốc gia khác vì cho rằng họ đã lợi dụng vị thế quốc gia đang phát triển.

Các quốc gia đang phát triển có thể được hưởng các ưu đãi nhất định về thương mại. Trong số các hiệp định và quy định của WTO có 180 điều khoản ưu đãi đối với các quốc gia đang phát triển.

Tổng thống Mỹ Trump đang nỗ lực để đảm bảo rằng các quốc gia tự tuyên bố là nước đang phát triển sẽ không tranh thủ sự đối xử đặc biệt dành cho vị thế này. Trước đó, ông cảnh báo Mỹ sẽ không đối xử với bất kỳ nước thành viên WTO nào mà họ đánh giá không phải là quốc gia đang phát triển nếu không có tiến triển đáng kể trong việc cải cách các quy định của WTO cho đến giữa tháng 10/2019.

Mỹ đã đề xuất WTO tước vị thế quốc gia đang phát triển của những quốc gia đáp ứng các tiêu chí, như thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quốc gia thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB) và chiếm ít nhất 0,5% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Đây là bốn tiêu chí mà Hàn Quốc đều đáp ứng nên không thể tiếp tục giữ vị thế quốc gia đang phát triển trong WTO.

Hàn Quốc đã duy trì vị thế là quốc gia đang phát triển kể từ năm 1995 để bảo vệ ngành nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo.  Với quyết định mới này Hàn Quốc sẽ phải xem xét hạn ngạch đối với gạo nhập khẩu và trợ cấp cho ngành nông nghiệp.

Hiện Hàn Quốc đang áp mức thuế 513% lên gạo nhập khẩu với số lượng vượt hạn ngạch 409.000 tấn/năm từ Mỹ và các nước khác theo hệ thống hạn ngạch thuế quan. Hàn Quốc đã chi 6,87 tỷ USD hỗ trợ cho nông dân trong năm 2015, năm gần đây nhất số liệu được công bố. Tổng mức hỗ trợ cho nông nghiệp của nước này chủ yếu phụ thuộc vào giá trị sản lượng trong năm cụ thể và mức trần vào khoảng 9,7 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hong Nam-ki thừa nhận người nông dân Hàn Quốc có thể thấy thất vọng với quyết định trên. Tuy nhiên, ông khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ các lĩnh vực nhạy cảm trong ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, tại các cuộc đàm phán của WTO về nông nghiệp trong tương lai.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ cải tổ các chính sách nông nghiệp hiện hành để chuyển trọng tâm từ bù lỗ sang mở rộng đầu tư nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành này. Hàn Quốc dự kiến sẽ phân bổ ngân sách khoảng 13 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp vào năm tới, mức cao nhất trong 10 năm qua; nhanh chóng sửa đổi chương trình trợ cấp hiện có để mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng hơn; nỗ lực bình ổn giá các sản phẩm chủ chốt cũng như cải cách những chương trình bảo hiểm để ổn định hoạt động kinh doanh cho các trang trại./.

Xem thêm:

>>Hàn Quốc từ bỏ quy chế nước đang phát triển tại WTO

>>Trung Quốc yêu cầu WTO trừng phạt Mỹ 2,4 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục