Mỹ: 25 thành phố lớn giảm tổng mức phát thải khí nhà kính xuống 32%

09:06' - 29/10/2021
BNEWS Theo một thống kê, 25 thành phố lớn của Mỹ đang trên đà giảm tổng mức phát thải khí nhà kính xuống 32% vào năm 2025, vượt qua các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Cụ thể, 25 thành phố trên dự kiến sẽ giảm 74 triệu tấn khí thải carbon cho đến năm 2030, đồng thời đạt được các mục tiêu đặt ra trong hiệp định trên vào giữa thập kỷ này.

Các thành phố trên đã tham gia vào chương trình Thử thách khí hậu của Bloomberg American Cities, được phát động vào năm 2019 với mục tiêu tăng cường hành động vì môi trường ở cấp thành phố trong cả nước Mỹ.

Theo ông Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York và là đặc phái viên về tham vọng và giải pháp khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), các thành phố đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đang cho thấy có thể đạt bước tiến đến đâu khi được trao quyền để làm nhiều hơn, nhanh hơn.

Trong các cam kết được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21), Mỹ đặt mục tiêu toàn nền kinh tế giảm 26%-28% lượng khí thải vào năm 2025 so với mức năm 2005.

Trong khi đó, các quốc gia tham gia đã nộp các khoản đóng góp với mục đích chung là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C. Một báo cáo của LHQ được công bố trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 dự kiến diễn ra tại Glasgow (Scotland, Anh) từ cuối tuần này cho thấy rằng trong khi các quốc gia đã thể hiện cam kết hành động, thì thế giới nói chung vẫn chưa tiến gần mục tiêu quan trọng đó.

Đáng chú ý, 25 thành phố tham gia Thử thách khí hậu của Bloomberg đã thông qua 54 chính sách về công trình xanh, năng lượng và giao thông chính, khởi động 71 chương trình khí hậu mới, dẫn đến việc tích hợp hơn 800 MW năng lượng tái tạo, phát triển 510 dặm (820,7 km) làn đường dành cho xe đạp và triển khai hơn 11.000 xe điện.

Bà Muriel Bowser, Thị trưởng thành phố Washington D.C, đánh giá rằng các thành phố cùng hành động có thể tác động mạnh mẽ đến khả năng bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải carbon tập thể.

Washington D.C cùng với các thành phố Seattle, Los Angeles và Portland đã đặt yếu tố công bằng vào trung tâm của các sáng kiến khí hậu, thực hiện các bước để thay đổi các chính sách như tính phí phát thải trong hoạt động giao thông, tạo ra các khu vực không phát thải với các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương.

Trong khi đó, thành phố Boston (bang Massachusetts), Minneapolis và St. Paul (bang Minnesota) triển khai các chương trình chia sẻ ô tô điện cho các cộng đồng kém phát triển, với mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống giao thông.

Thị trưởng St. Paul Melvin Carter cho biết hệ thống Minnesotan, được gọi là Mạng lưới EV Spot, nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải và giúp xây dựng một thành phố bền vững hơn và linh hoạt hơn cho các thế hệ tiếp theo.

Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey cho rằng, khi nhiệt độ tiếp tục tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn thì cần phải tăng gấp đôi nỗ lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và một môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả mọi người./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục