Mỹ có thể thiếu hụt ngân sách khi dỡ bỏ các lệnh hạn chế

13:16' - 21/04/2022
BNEWS Mỹ có thể thiếu hụt hàng trăm triệu USD nếu quy định liên quan đến biện pháp phòng, chống COVID-19 của nước này được dỡ bỏ vào tháng tới.

Giới chức Mỹ cho rằng ngân sách của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) có thể thiếu hụt hàng trăm triệu USD nếu quy định liên quan đến biện pháp phòng, chống COVID-19 của nước này được dỡ bỏ vào tháng tới như kế hoạch và dòng người di cư đổ về "xứ cờ hoa" tăng đột biến.

 

Dư luận cho rằng các hoạt động của ICE và CBP có thể cạn kiệt ngân sách hoàn toàn vào đầu tháng 7 tới, dựa trên ước tính mỗi ngày có khoảng 14.000 người di cư vượt qua biên giới giữa Mexico và Mỹ sau khi điều khoản 42 dự kiến hết hiệu lực vào ngày 23/5 tới.

Con số này được cho là tăng gấp đôi so với dòng người di cư cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng trước. Trong khi đó, các nguồn quỹ bổ sung sẽ được sử dụng để vận chuyển, chăm sóc y tế, giường bệnh tại các cơ sở tuần tra biên giới cho những người di cư mới đến.

Tờ Axios ngày 20/4 đưa tin chính quyền của Tổng thống Biden đang cân nhắc trì hoãn việc dỡ bỏ điều khoản 42 sau khi đối mặt với áp lực từ đảng Cộng hòa và một số thành viên đảng Dân chủ, do cho rằng động thái này có thể tạo ra làn sóng di cư lớn ở biên giới.

Thống kê cho thấy hiện có hơn 170.000 người di cư đang phải sống trong các khu trại ở miền Bắc Mexico vì chưa thể vào Mỹ để xin tị nạn do điều khoản 42 - vốn có hiệu lực từ tháng 3/2020 như một sắc lệnh y tế công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Do đó, nếu điều khoản 42 được dỡ bỏ, những người này cùng với nhiều người di cư khác có thể lại nỗ lực vượt biên giới để được đặt chân vào Mỹ.

Vì vậy, giới chức địa phương tại các khu vực biên giới đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Biden lập kế hoạch và tài trợ nhiều hơn trước ngày 23/5.

Về phần mình, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết xác định lại các ưu tiên và phân bổ các quỹ hiện có, đề nghị các cơ quan khác trong chính phủ liên bang hỗ trợ và phối hợp với quốc hội về các quỹ bổ sung nếu cần./.  

>>>Mỹ khởi động chương trình tín dụng trị giá 6 tỷ USD cho các nhà máy điện hạt nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục