Mỹ tăng lãi suất liệu có châm ngòi cho khủng hoảng tài chính ở châu Á?

06:30' - 08/08/2022
BNEWS Nỗ lực gần đây của Fed nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tăng cao và kéo dài đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 USD ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tạp chí Project Syndicate, những điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thường dẫn đến gia tăng căng thẳng kinh tế và tài chính ở các nền kinh tế mới nổi.

Vào đầu những năm 1990, Fed đã tăng lãi suất trước để kiềm chế lạm phát, dẫn đến cuộc khủng hoảng “rượu tequila” ở Mexico năm 1994. Năm 2013, Fed đã báo hiệu ý định thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến việc bán tháo các thị trường mới nổi lớn.
Xét tới bối cảnh lịch sử của khu vực, người ta có thể cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở các nước ASEAN+3 (gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đặc biệt lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục có những điều chỉnh chính sách một cách mạnh mẽ.

Thật vậy, những nỗ lực gần đây của Fed nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tăng cao và kéo dài đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Nhưng các hành động của Fed sẽ không có nhiều tác động đến khu vực như đã từng diễn ra vào cuối những năm 1990. Ngày nay, các nền kinh tế ASEAN+3 đã mạnh hơn và bền vững hơn, khiến cho một cuộc khủng hoảng tài chính theo kiểu năm 1997 là không thể nào xảy ra.
Cuộc khủng hoảng năm 1997 chủ yếu diễn ra bởi sự kết hợp của việc mất cân bằng kinh tế vĩ mô và sự đảo chiều dòng vốn mạnh, gây ra bởi các cuộc tấn công đầu cơ vào đồng baht của Thái Lan và các đồng tiền khác trong khu vực.

Các nền kinh tế Đông Á đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng - được tài trợ bởi dòng vốn tăng mạnh và cho vay nước ngoài quá mức - nhưng không có các quy định và chính sách hợp lý. Hầu hết các đồng tiền châu Á vẫn được cố định với đồng USD, các khuôn khổ quản lý ngân hàng đơn giản hơn và bộ đệm vốn thấp.
Những cải cách cơ cấu mạnh mẽ đã giúp các nền kinh tế ASEAN+3 xây dựng lại bảng cân đối tài chính, củng cố nền tảng kinh tế và thiết lập các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ.

Các nhà hoạch định chính sách của khu vực, khéo léo hơn trong việc giải quyết các bất ổn và quản lý các cú sốc, đã xây dựng một mạng lưới an toàn tài chính nhiều lớp trị giá lên tới 8.800 tỷ USD. Ngoài khoản dự trữ ngoại hối, trị giá tổng cộng 7.000 tỷ USD, các nền kinh tế ASEAN+3 hiện có thể dựa vào các thỏa thuận hoán đổi đa phương như thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hầu hết các nền kinh tế ASEAN+3 mới nổi đều có thặng dư tài khoản vãng lai trong những năm gần đây.

Ngược lại, các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng thường xuyên thâm hụt tài khoản vãng lai và phụ thuộc vào tài trợ bên ngoài trong những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

ASEAN-4 (Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan) đều có thặng dư tài khoản vãng lai trong hai thập kỷ qua - ngoại trừ Indonesia, có mức thâm hụt tài khoản vãng lai nhỏ trong cùng kỳ.
Hơn nữa, các ngân hàng trong khu vực hoạt động tốt hơn và linh hoạt hơn nhiều. Những ngân hàng này thường được vốn hóa tốt và có đủ bộ đệm thanh khoản kể từ khi áp dụng các quy định của Basel sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kết quả là các ngân hàng nhìn chung đã có một nền tảng tài chính vững chắc khi bước vào đại dịch COVID-19, cho phép họ tham gia vào các vùng đệm vốn theo quy định và phản chu kỳ khi cần thiết.
Hơn nữa, quy mô thị trường trái phiếu nội tệ trong khu vực ASEAN+3 đã tăng lên 123% GDP trong năm nay, so với 74% GDP năm 2000. Với khả năng cho vay bằng nội tệ, các khoản nợ không còn phải đối mặt với tình trạng mất cân xứng tiền tệ như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tương tự như vậy, các dòng vốn đã không tăng mạnh vào khu vực này trong những năm gần đây như trước hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất. Tại các thị trường ASEAN-4, dòng vốn ròng ra tương đối dịu cho đến nay và dòng vốn vào chủ yếu bao gồm các khoản đầu tư trực tiếp tương đối ổn định. Tại Hàn Quốc, dòng vốn vào danh mục đầu tư đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch do các nhà đầu tư coi trái phiếu Hàn Quốc là tài sản tương đối an toàn.
Cuối cùng, các nền kinh tế Đông Á - đặc biệt là các nền kinh tế ASEAN-4 bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và Hàn Quốc - không còn vận hành các chế độ tỷ giá hối đoái được cố định chặt chẽ, cho phép đồng tiền của họ dao động và điều chỉnh theo các lực lượng thị trường như một bộ đệm chống lại các cú sốc. Một số nền kinh tế vẫn cố định tiền tệ của họ với USD hoặc một rổ tiền tệ đã xoay sở để đối phó với các cuộc tấn công đầu cơ thông qua các bộ đệm ngoại hối mạnh mẽ và các chính sách tài khóa thận trọng.
Phải thừa nhận rằng vẫn có nhiều điểm yếu trong khu vực. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và quỹ đạo phục hồi của mỗi nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng và nắm bắt cơ hội mới. Việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể ảnh hưởng bất lợi và không đồng đều đến thị trường tài chính ở các nước ASEAN+3, và những diễn biến này có thể kích hoạt dòng vốn ra tương tự như năm 2013. Trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ở Hàn Quốc và Philippines và giảm dần nắm giữ trái phiếu ở Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, cho đến nay, những dòng tiền ra này tương đối không đáng kể và không đe dọa đến sự ổn định tài chính.
Sự phục hồi kinh tế dự kiến của Trung Quốc cũng sẽ góp phần vào sự phục hồi của khu vực, giống như sau các cuộc khủng hoảng năm 1997 và 2008. Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chạm đáy và lấy lại động lực trong nửa cuối năm 2022, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt khoảng 4,8%, bất chấp rủi ro giảm đáng kể.
Lãi suất Mỹ tăng có thể sẽ dẫn đến một số dòng vốn chảy ra ngoài và chi phí đi vay cao hơn đối với các nền kinh tế ASEAN+3. Nhưng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện theo kiểu năm 1997 vẫn khó xảy ra. Khu vực này vẫn sẽ tiếp tục phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục