Năm 2022, HBC kỳ vọng doanh thu vượt 20.000 tỷ đồng

11:42' - 23/12/2021
BNEWS Trong năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chủ trương thoái vốn ở mảng bất động sản để tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng và dân dụng, đặc biệt là những dự án dùng vốn ngân sách.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ, năm 2022, Hòa Bình kỳ vọng sẽ đạt doanh thu vượt mức 20.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 12.000 tỷ đồng dự kiến thực hiện trong năm 2021.

Trong năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) chủ trương thoái vốn ở mảng bất động sản để tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng và dân dụng, đặc biệt là những dự án dùng vốn ngân sách.

Thời gian gần đây, Hòa Bình được mời đấu thầu nhiều dự án tốt và đến thời điểm này, số lượng hợp đồng của năm 2022 đã tương đối ổn định. Ngoài ra, nhiều dự án Tập đoàn này đang dự thầu cũng có triển vọng tốt.

Mục tiêu của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình thời gian tới là có thể tham gia được nhiều công trình hạ tầng theo kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.

Các chuyên gia nhận định, hiện doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp dân dụng đang được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công. Nhiều doanh nghiệp xây dựng tiếp tục được hưởng lợi do kích cầu nhưng việc cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng tăng "bằng lần” như thời gian qua cũng sẽ khó xảy ra trong năm 2022.

Hiện một số cổ phiếu xây dựng như HBC, Tập đoàn Fecon (mã chứng khoán FCN) được định giá hơi cao so với giá trị sổ sách, có thể thị trường đang đánh giá cao tiềm năng của ngành xây dựng trong tương lai.

Theo ông Lê Viết Hải, thực tế, cổ phiếu HBC tăng nhanh so với dự đoán. Điều này khẳng định, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình có sự phát triển bền vững, củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với cổ phiếu HBC.

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 23/12, cổ phiếu HBC tăng sát trần với mức giá đạt 27.800 đồng/cổ phiếu với lượng thanh khoản tốt. 

Ngành xây dựng sẽ có nhiều cơ hội sau khi đại dịch được kiểm soát. Các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh đầu tư công để khôi phục kinh tế. Ở Việt Nam cũng có làn sóng đầu tư công về công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công của nhà nước để khôi phục kinh tế sau đại dịch. Bởi vậy, sau đại dịch, ngành xây dựng sẽ rất “nóng”. Không chỉ “nóng” ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới” - ông Hải nhận định.

Theo Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, giá trị ngành xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đạt 158.167 tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% trong giai đoạn 2020 - 2025; trong đó, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn là động lực chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục