Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp xây dựng

14:34' - 10/04/2025
BNEWS Thị trường bất động sản đang ấm dần lên, là chỉ dấu cho sự phát triển ngành xây dựng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực xây dựng cũng có sự gia tăng trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực để giải quyết tranh chấp xây dựng cho các bên liên quan là cần thiết.

 

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Nâng cao chuẩn mực – Nâng tầm chất lượng trong giải quyết tranh chấp cho các dự án xây dựng tại Việt Nam", do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức sáng 10/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia bất động sản, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam có thể đạt 6 - 10% mỗi năm và còn nhiều dư địa phát triển, nhờ quyết sách đầu tư hạ tầng đồng bộ của Chính phủ.

Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ về số vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng là một thách thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và bền vững của ngành. Tranh chấp trong xây dựng không chỉ là hệ quả của những xung đột về hợp đồng hay kỹ thuật, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, tiến độ, chất lượng, uy tín của toàn bộ dự án.

Ghi nhận của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, số vụ tranh chấp lĩnh vực xây dựng có xu hướng tăng và chiếm khoảng 18% tổng giá trị các vụ tranh chấp, cho thấy những bất cập về thể chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sự thiếu vững chắc trong hành lang pháp lý.

"Việc giải quyết tranh chấp hiệu quả các tranh chấp này là yếu tố cấu thành quan trọng của môi trường pháp lý ổn định, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xây dựng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Luân, Trưởng ban kiểm tra Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam nhận định.

Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng còn lúng túng trong việc xử lý các vụ tranh chấp, đơn cử như trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, thường là những dự án lớn, thành phần tham gia đa dạng, khối lượng dữ liệu, tài liệu lớn... dễ làm nảy sinh tranh chấp giữa các bên.

Để hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm rõ các vấn đề pháp lý như hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, hay phân biệt thẩm quyền của Trọng tài và hội đồng trọng tài; các chế tài trong tranh chấp hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán bất động sản...

"Với các tranh chấp này, chúng tôi cho rằng trước hết các doanh nghiệp nên tự thương lượng, rồi mới chuyển đến các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác, làm sao để giải quyết nhanh nhất, giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế và hợp đồng xây dựng, Cục kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế gia cũng chia sẻ những cơ chế hiệu quả để nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai, và nhấn mạnh sự chủ động từ phía doanh nghiệp, cần nắm chắc khung pháp lý làm cơ sở để hạn chế tối đa phát sinh tranh chấp, cũng như rủi ro thiệt hại khi tranh chấp nổ ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục