Nga bội thu ngũ cốc, thị trường khó hạ nhiệt

05:30' - 01/09/2022
BNEWS Bộ Nông nghiệp Nga công bố số liệu mới nhất cho biết các địa phương trên toàn liên bang đã thu hoạch được 78,9 triệu tấn ngũ cốc, cao hơn 24,8% so với cùng thời điểm năm ngoái (đạt 63,2 triệu tấn).

Bộ Nông nghiệp Nga vừa công bố số liệu mới nhất cho biết các địa phương trên toàn liên bang đã thu hoạch được 78,9 triệu tấn ngũ cốc, cao hơn 24,8% so với cùng thời điểm năm ngoái (đạt 63,2 triệu tấn).

Theo Bộ Nông nghiệp Nga, tổng cộng sản lượng thu hoạch ngũ cốc và cây họ đậu trên 27,6 triệu ha gieo trồng đạt 105,2 triệu tấn. Ngoài ra, củ cải đường được thu hoạch 41.200 ha đạt 2 triệu tấn. Sợi lanh cũng đã được thu hoạch từ 15.400 ha canh tác.

Chỉ tính riêng đại mạch được thu hoạch từ 5,4 triệu ha gieo trồng (so với 6,2 triệu ha của năm 2021) đạt 17,7 triệu tấn với năng suất 32,6 tạ/ha (năm 2021 đạt 24,9 tạ/ha). Ngoài ra, các tổ chức nông nghiệp và nông dân thu hoạch khoai tây đạt 557.600 tấn trên 21.000 ha canh tác, thu hoạch rau đạt 878.700 tấn.

Đến thời điểm này, gieo trồng cây vụ Đông trên toàn nước Nga ước đạt tổng diện tích gần 1 triệu ha.

Tại Nga, giá ngũ cốc đang giảm trong bối cảnh dự báo thu hoạch cao, nhưng có khoảng cách nhất định giữa giá lương thực và lúa mỳ thức ăn chăn nuôi.

Giá lúa mỳ giảm còn do tác động từ sự mạnh lên của đồng ruble và áp thuế xuất khẩu cao cùng với quy chế hạn ngạch do chính phủ áp dụng nhằm hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo kết quả phân tích của công ty ProZerno có trụ sở tại Moskva, giá các mặt hàng lúa mỳ thực phẩm ở Nga chỉ giảm trung bình 5% so với cùng kỳ mùa Hè năm 2021. Thực tế, giá lúa mạch đen thực phẩm ở vùng Siberia không thay đổi, và ở khu vực miền Trung và Ural của Nga vẫn giữ nguyên.

Trên thế giới, giá ngũ cốc cũng đang có xu hướng giảm sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào mùa Xuân năm 2022 do những lo ngại về hậu quả đại dịch COVID-19 và tình hình xung đột tại Ukraine.

Theo công ty ProZerno, giá lúa mỳ thế giới tăng mạnh vào mùa Xuân vừa qua do chịu ảnh hưởng của tình hình tại Ukraine làm cho nguồn cung bị hạn chế. Sau đó, giá thành của mặt hàng này bắt đầu giảm vào cuối tháng Bảy khi một thỏa thuận được thực hiện để mở hành lang xuất khẩu cho các lô ngũ cốc của Ukraine. Những yếu tố này, kết hợp với sự mạnh lên của đồng USD và sự mất giá của đồng euro, đã làm giảm giá ngũ cốc trong mùa Hè.

Theo các chuyên gia của Forbes, sự sụt giảm hiện tại của giá thành sản phẩm không mang tính xu thế vì sản lượng thu hoạch trên thế giới có thể bị giảm do nhiều điều kiện bất lợi khó lường. Phân bón là một trong những nguyên liệu đầu vào, chiếm phần lớn chi phí sản xuất nông nghiệp đang chịu tác động mạnh từ cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moskva.

Nga cung cấp khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu, đây là nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm. Giá khí tự nhiên trên thị trường giao ngay không ngừng tăng và đã đạt mức giá 3200 USD/1000 m3, điều này khiến cho hoạt động sản xuất của các công ty hóa chất-phân bón của châu Âu không có lãi.

Vừa qua, nhà sản xuất phân đạm lớn của Đức SKW Piesteritz vừa thông báo sẽ hạn chế sản xuất do giá khí đốt tăng mạnh. Việc cắt giảm công việc của SKW Piesteritz sẽ gây áp lực lên nông nghiệp cả ở Đức và châu Âu vì hàng năm công ty này cung cấp khoảng 4 triệu tấn phân đạm cho các diện tích gieo trồng trên khắp Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với SKW Piesteritz, một công ty khác của Đức là BASF đã giảm sản xuất phân bón. Một số nhà máy ở châu Âu đã hạn chế hoặc ngừng sản xuất. Công ty hóa chất Rumani Chimcomplex đã thông báo ngừng sản xuất trong hai tuần tại cơ sở Borzesti của họ bắt đầu từ ngày 18/8. Công ty Grupa Azoty của Ba Lan đã tạm thời giảm sản xuất amoniac kể từ ngày 23/8, chỉ tiếp tục sản xuất axit nitric đậm đặc. Nhà sản xuất phân đạm Anwil của Ba Lan đã hạn chế làm việc trong những ngày gần đây.

Nhà sản xuất phân bón toàn cầu, công ty Na Uy Yara International thông báo sẽ giảm khoảng 35% công suất của tất cả các hạng mục sản xuất. Tập đoàn CF Industries của Mỹ đang tạm ngừng sản xuất tại Anh do giá khí đốt tăng gấp đôi kể từ năm ngoái.

Do giá khí đốt tăng khiến các nhà máy hóa chất ngừng hoạt động, điều này cũng dẫn đến sự thiếu hụt carbon dioxide (một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất amoniac). Việc thiếu khí carbon dioxide ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất thực phẩm ở châu Âu.

Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất amoniac, ure và kali lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất phốt phát chế biến lớn thứ năm. Nước này chiếm tới 23% thị trường xuất khẩu amoniac toàn cầu, 14% ure, 21% kali và 10% phốt phát thành phẩm. 

Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD. Năm 2019, Nga xuất khẩu tới 8,58 tỷ USD phân bón, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 7 của Nga.

Tuy nhiên, khi xung đột tại Ukraine xảy ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng (SWIFT). Việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài. 

Điều này ảnh hưởng nặng nề đến xuất-nhập khẩu tất cả các mặt hàng trong đó có phân bón của Nga. Mặc dù hành lang xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đã được mở, song Moskva vẫn đang phải chật vật đàm phán để phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga.

Do đó, các chuyên gia không mấy lạc quan về triển vọng dài hạn của việc tiếp tục giảm giá của thị trường ngũ cốc trong bối cảnh hạn hán kỷ lục ở châu Âu, cũng như ở Trung Quốc, Argentina và Mỹ. Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của mỗi quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục