Ngành công nghiệp thực phẩm chuyển đổi trước yêu cầu thị trường

17:10' - 09/12/2020
BNEWS Sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020, do Dự án BioTrade khu vực Đông Nam Á thuộc Tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 9/12.

Sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cú sốc của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Điển hình, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể... Cùng đó, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa cũng bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng; hàng hóa và dòng vốn thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước xu hướng thói quen của người tiêu dùng thay đổi và đòi hỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chuyển đổi với chiến lược thích ứng phù hợp.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean chỉ ra rằng, đa dạng từ hình thức giao hàng đến sáng tạo mô hình kinh doanh mới đang là yêu cầu cấp thiết đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Song song đó, kết hợp Blockchain và IoT là bước tiếp nối cho kỷ nguyên thông minh hơn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo hình thức chuỗi thông tin chi tiết và chính xác hơn trong suốt vòng đời của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn.

Dịch bệnh làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng dẫn đến thay đổi thứ tự ưu tiên của họ khi lựa chọn thực phẩm, mở ra cơ hội mới cho ngành hàng, nhất là những sản phẩm chế biến sẵn phục vụ nhu cầu tự trải nghiệm nấu ăn tại nhà. Trên thực tế, những thương hiệu lớn đã ra mắt dịch vụ chuẩn bị nguyên liệu chế biến sẵn và giao tận nhà - bà Quỳnh nhận xét.

Một số chuyên gia nhận định, thực phẩm "lành mạnh" tiếp tục là xu hướng chính trong ngành thực phẩm; trong đó, nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc thực vật giúp tăng cường sức khỏe sẽ còn tăng mạnh ngay cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Người tiêu dùng sẽ tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của thành phần nguyên liệu thực phẩm.

Hiện nay, người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo an toàn về thực phẩm nhiều hơn sau dịch COVID-19 nên cũng có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm địa phương nội địa do có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, có khoảng 76% tham gia khảo sát cho biết ưu chuộng hàng nội địa hơn sau dịch COVID-19 và đây là cơ hội cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp cũng cho hay, mặc dù đứng trước "sóng gió" khủng hoảng thị trường, nhưng ngành sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước, đảm bảo ổn định giá cả thị trường. Hơn thế nữa, doanh nghiệp chủ động thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới bằng giải pháp đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường.

Việt Nam tham gia đa dạng Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành thực phẩm phát triển, tăng cơ hội xuất khẩu. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay; trong đó, Bộ Công Thương đã hệ thống lại mạng lưới Tham tán và Cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài để kết nối nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Mặt khác, Bộ Công Thương xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến để triển khai hội thảo, hội nghị, giao thương... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Dự báo trong những năm tới, ngành công nghiệp thực phẩm vẫn chịu thách thức bởi sự chuyển đổi thị trường và xu hướng tiêu dùng mới, nên gia tăng giá trị sản phẩm là yêu cầu tất yếu; trong đó, cần giải quyết căn bản vấn đề tái cơ cấu, vận hành xuất nhập khẩu, nâng cao nhận thức người nông dân và nắm bắt xu hướng thị trường...

Bên cạnh đó, tận dụng được lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, bởi đây là vấn đề không chỉ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu mà còn tác động trực tiếp đến sinh kế của bà con nông dân và những người hoạt động trong ngành nông nghiệp.

Theo ông Andrew Wilson - Quản lý cấp vùng, Dự án thương mại sinh học BioTrade, sản phẩm bền vững và nguồn cung cấp có đạo đức đã là yêu cầu bắt buộc và trở thành xu hướng từ lâu trên toàn cầu, nhưng ở Việt Nam thì bắt đầu được quan tâm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt được những tiêu chuẩn xuất khẩu vào đa dạng thị trường thì đơn vị sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng nhu cầu về những sản phẩm bền vững và nguồn cung cấp có đạo đức.

Doanh nghiệp toàn cầu luôn chú trọng bảo vệ thương hiệu của họ nên rất quan tâm đến những sản phẩm bền vững và nguồn cung cấp có đạo đức. Điều này dẫn đến, chuỗi cung ứng toàn cầu và giá trị gia tăng từ những sản phẩm bền vững và nguồn cung cấp có đạo đức sẽ được doanh nghiệp toàn cầu ưu tiên chọn lựa hợp tác. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, những doanh nghiệp xây dựng được hệ sinh thái tốt trong chuỗi cung ứng đều trụ vững và ít rủi ro hơn trong giai đoạn khủng hoảng thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Nafoods Group cho biết, hiện doanh nghiệp này xuất khẩu 60 quốc gia trên thế giới và tăng trưởng doanh thu hơn 40% trong 2 năm qua. Kinh nghiệm cho thấy, muốn vượt qua thách thức, doanh nghiệp cần định vị lại năng lực cốt lõi, hoạch định lại chiến lược kinh doanh, vận hành, quản trị công ty...

Riêng đối với ngành công nghiệp thực phẩm thì chế biến sâu là giải pháp hiệu quả giúp thích ứng với thị trường, cải thiện giá trị gia tăng sản phẩm và bán với giá cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục