Ngành điện khẳng định vai trò trụ cột nền kinh tế

12:20' - 07/09/2020
BNEWS Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm.

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên giải trình.
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Trong giai đoạn 2011 – 2019, ngành điện đã hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh tăng tưởng nhu cầu điện năng luôn ở mức cao, ngành điện đã có nhiều cố gắng trong phát triển và cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
*Sản lượng điện tăng 10 lần
Theo báo cáo, nhu cầu điện tại Việt Nam ngày một tăng cao (sản lượng điện đã tăng khoảng 10 lần từ năm 1990 tới năm 2019). Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh).
Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện đã có sự phát triển mạnh mẽ và là điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo an ninh cung ứng điện. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm để đảm bảo thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

Tính tới nay 100% số xã và 99,52% các hộ dân được sử dụng điện, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện để ngành điện từng bước tự chủ về tài chính, có đủ năng lực cho đầu tư phát triển.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng.
Đáng chú ý, có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Công Thanh...

Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) lại tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch (do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước).
*Khai thác hợp lý nguồn điện mặt trời và điện gió
Bộ Công Thương phân tích, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, ngành điện cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.
Giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là tiếp tục khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió. Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, ngành điện cần tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW đồng thời xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, ngành điện sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Ngành điện cũng bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bào an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo./.

>>>Gỡ “nút thắt” cho điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục