Ngành giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển trong dịch bệnh (Phần 2)

06:30' - 18/09/2021
BNEWS Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2025 của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á có thể đạt 24,4%, tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 28,1 tỷ USD vào năm 2025.

* Thị trường giao đồ ăn thời kỳ hậu dịch bệnh chỉ chậm lại chứ không thu hẹp

Mặc dù các cửa hàng ăn uống trở lại trạng thái bình thường sau dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường giao đồ ăn, nhưng cùng với thói quen của người tiêu dùng thay đổi, dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường chỉ chậm lại chứ không thu hẹp. 

Euromonitor International dự báo, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2025 của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á có thể đạt 24,4%, tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 28,1 tỷ USD vào năm 2025.

Người phát ngôn của Grab cho biết, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ thâm nhập thị trường giao đồ ăn của Đông Nam Á vẫn rất thấp, chỉ khoảng 11%, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Trung Quốc là 21%. Điều này cho thấy thị trường giao đồ ăn nhanh của Đông Nam Á vẫn có không gian tăng trưởng rất lớn. Dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ hấp thụ dịch vụ giao đồ ăn nhanh của Đông Nam Á, hơn nữa vai trò của dịch vụ giao đồ ăn nhanh không ngừng cải thiện sẽ thúc đẩy lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng.

Người phát ngôn của foodpanda nhấn mạnh, dự kiến dịch vụ giao đồ ăn và tạp hóa sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thế giới sau dịch bệnh, đồng thời trở thành một phần trong đời sống thường nhật của khách hàng. Dịch bệnh đã làm bộc lộ những lỗ hổng của thị trường và nhu cầu của khách hàng cần phải giải quyết. Foodpanda dự tính nhóm khách hàng mới lần đầu tiên thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn và tạp hóa, bao gồm những khách hàng lớn tuổi không thông thạo công nghệ trước đó sẽ tăng lên đáng kể. 

Trong khi đó, người phát ngôn của Deliveroo lại cho biết, dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt, do đó còn quá sớm để dự đoán Deliveroo và các nền tảng giao đồ ăn hoặc toàn bộ ngành dịch vụ ăn uống sẽ thay đổi như thế nào sau dịch bệnh. Mặc dù người tiêu dùng sẽ rất vui cùng người thân và bạn bè quay lại nhà hàng yêu thích để dùng bữa, nhưng họ cũng có lúc cần phải dùng đến dịch vụ giao đồ ăn.

Theo Phó Giáo sư ngành Marketing, Đại học khoa học xã hội Singapore (SUSS), Guan Chong, vào thời kỳ hậu dịch bệnh, nhân viên sẽ dần quay lại văn phòng làm việc, thị trường đồ ăn mang đi cho giới văn phòng sẽ có triển vọng phát triển mạnh hơn nữa.  

Mặc dù thị trường giao đồ ăn địa phương tương đối phát triển, nhưng sở thích ăn uống tại cửa hàng của người tiêu dùng tương đối mạnh, nên dự kiến đây vẫn sẽ là xu hướng ăn uống chủ đạo.

Theo Giáo sư Shantanu Bhattarcharya của Đại học Quản lý Singapore (SMU), thị trường giao đồ ăn của Đông Nam Á đã trở nên “đông đúc”, các nền tảng giao đồ ăn lớn sẽ dẫn dắt thị trường. Mặc dù thị trường khu vực này sẽ tăng trưởng, song tốc độ sẽ chậm lại, nhiều nền tảng nhỏ sẽ bị mua hoặc hợp tác với các nền tảng lớn. 

Shantanu Bhattarcharya nhấn mạnh, Grab và Gojek có lợi thế về quy mô và tính bổ sung so với các công ty nhỏ, song giải pháp sáng tạo và lợi thế đặc biệt của nhiều công ty nhỏ sẽ giúp họ tiếp tục tồn tại trong giai đoạn hội nhập.

* "Cloud Kitchen" nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng tần suất cao

Ngành giao đồ ăn phát triển sẽ thúc đẩy sự trỗi dậy của mô hình “Cloud Kitchen". "Cloud Kitchen" có nhiều tên gọi, bao gồm nhà hàng tối, nhà hàng ma, nhà hàng ảo, cũng như siêu nhà hàng. Đây có thể được hiểu là mô hình cung cấp đồ ăn nhưng không có không gian vật lý và hoàn toàn dựa trên nền tảng đặt hàng trực tuyến và ứng dụng giao hàng. Hiện nay, ở Singapore đã có nhiều nhà khai thác Cloud Kitchen như Deliveroo, foodpanda, Grab và Smart City Kitchens (SCK).

Ngay từ năm 2019, Grab đã khai trương GrabKitchen ở Indonesia, sau đó phát triển sang Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, Grab đã có 62 "Cloud Kitchen" ở khu vực; Deliveroo cũng có 31 Cloud Kitchen trên toàn cầu, trong đó bao gồm hai cơ sở ở khu vực; foodpanda thiết lập Cloud Kitchen ở 7 thị trường, trong đó ở Đông Nam Á bao gồm Singapore, Thái Lan và Philippines.

Sự tăng trưởng của giao đồ ăn thúc đẩy sự trỗi dậy của "Cloud Kitchen". Và "Cloud Kitchen" lại hỗ trợ việc thành lập nhà hàng và mở rộng dịch vụ giao đồ ăn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực giao đồ ăn. 

Phó Giáo sư Guan Chung nhấn mạnh, sau khi thị trường giao đồ ăn đạt đến quy mô nhất định, "Cloud Kitchen" sẽ ra đời. Mô hình hoạt động của "Cloud Kitchen" cũng sẽ cung cấp cơ hội cho những người khởi nghiệp dịch vụ ăn uống thử nghiệm thương hiệu và khái niệm ăn uống mới, giúp những nhà kinh doanh dịch vụ ăn uống chuyên tâm vào sản phẩm, không lo lắng về chi phí mặt tiền, trang trí, nhân công… đắt đỏ để tăng cường phát triển hơn nữa nền tảng giao đồ ăn.  

Ông Guan Chung cho rằng, người tiêu dùng chỉ bỏ ra một khoản chi phí là có thể thưởng thức đồ ăn của nhiều cửa hàng ở cùng một "Cloud Kitchen"; điều này có lợi cho việc nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng tần suất cao. 

* Phí môi giới cao nhưng có thể tăng lượng khách hàng

Theo La Bội Dung, Giám đốc sáng tạo của Công ty cung ứng dịch vụ ăn uống Rasel Catering Singapore, công ty sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của foodpanda và GrabFood, phí môi giới khoảng 30%, điều này quả thực đã xói mòn lợi nhuận của công ty.  

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hoạt động kinh doanh của nền tảng giao đồ ăn chiếm khoảng 40% tổng doanh số của công ty. Tháng trước, do nới lỏng các biện pháp phòng dịch, hoạt động cung ứng dịch vụ ăn uống phục hồi, tỷ trọng kinh doanh giao đồ ăn giảm xuống còn 25%.

Do tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài nên Rasel Catering phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh. Công ty đã lần lượt giới thiệu hai thương hiệu trực tuyến, đồng thời áp dụng dịch vụ của hai nền tảng giao đồ ăn nói trên, do đó toàn bộ quá trình giao dịch bao gồm tư vấn và giao đồ ăn đều do công ty đảm nhận.  

Giám đốc La Bội Dung nói rằng mặc dù phí môi giới của nền tảng giao đồ ăn cao, nhưng điểm tích cực là họ có thể tiếp cận đông đảo khách hàng. Do đó, có thể gọi đó là chi phí tiếp thị và quảng cáo. Rasel Catering có đội ngũ giao đồ ăn riêng của mình, đồng thời cũng sử dụng dịch vụ của các bên giao đồ ăn quốc tế và địa phương. Các công ty giao đồ ăn địa phương chỉ phụ trách công việc phân phối thực phẩm như tiệc buffet mini và cơm hộp cao cấp, hoạt động giao dịch vẫn do công ty xử lý.

Giá cả không phải là cân nhắc duy nhất khi hợp tác với các nền tảng. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty RE&S Phó Gia Lợi cho biết, công ty không có đội ngũ giao đồ ăn, do đó coi việc giao đồ ăn của bên thứ ba là bộ phận quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời cho rằng có không gian phát triển tốt hơn. 

Công ty áp dụng dịch vụ của các nền tảng giao đồ ăn địa phương và quốc tế, mỗi đối tác hợp tác đều có lợi thế riêng, giá cả không phải là nhân tố duy nhất để đưa ra quyết định có hợp tác hay không.

Chẳng hạn, đối với các giao dịch số lượng lớn hoặc cao cấp, công ty sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng độc quyền hoặc lễ tân (concierge).

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phó Gia Lợi kỳ vọng khoảng 20% doanh thu của công ty trong năm này sẽ đến từ hoạt động giao đồ ăn. Con số này đã tăng đáng kể từ mức chưa đến 5% trước khi áp dụng các biện pháp giãn cách, lên 10% vào năm ngoái. Trong tương lai, hiện công ty đang quy hoạch lại nhà bếp để có thể duy trì doanh số giao đồ ăn sau khi dịch vụ ăn uống tại chỗ khôi phục bình thường.

Trong khi đó, Giám đốc La Bội Dung dự báo, các yếu tố có lợi hiện nay đối với hoạt động giao đồ ăn sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 6 tháng, một khi số lượng người ở nhà giảm xuống thì toàn bộ mô hình kinh doanh sẽ thay đổi, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng suy giảm đột ngột./.

Xem thêm: Ngành giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển trong dịch bệnh (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục